Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lạc Dương) quản lý diện tích trên 40.000 ha rừng. Để giữ những cánh rừng, đơn vị đã có nhiều cách làm, biện pháp sáng tạo nhằm giữ màu xanh của rừng...
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lạc Dương) quản lý diện tích trên 40.000 ha rừng. Để giữ những cánh rừng, đơn vị đã có nhiều cách làm, biện pháp sáng tạo nhằm giữ màu xanh của rừng...
|
Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra rừng |
•
NHIỀU MÔ HÌNH, CÁCH LÀM MỚI
Rừng thuộc huyện Lạc Dương có diện tích khá rộng lớn, khoảng hơn 116.000 ha, độ che phủ rừng trên 85%, trải rộng trên địa bàn giáp ranh Lạc Dương với huyện Lâm Hà, Đam Rông và một phần TP Đà Lạt. Do vậy, trọng trách trên vai của những người gác rừng nơi đây ngày càng nặng nề.
Ông Đinh Hữu Đạo, Phó trưởng Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim cho biết, đặc trưng của rừng Lạc Dương là rừng phòng hộ đầu nguồn. Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lấn chiếm đất rừng trái phép, chúng tôi đã thực hiện nhiều phương án, cách làm mới như: phân công lịch trực cụ thể cho viên chức của trạm và các hộ nhận khoán để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra rừng, chốt trực và mật phục vào ban đêm; phân công cán bộ phụ trách tiểu khu thực hiện việc trực trạm, phải đủ lực lượng để xử lý khi có các vụ việc xảy ra. Các trạm QLBVR phải xác định rõ những khu vực được coi là điểm nóng về vi phạm để tổ chức cho nhân viên phụ trách tiểu khu cùng với các tổ, hộ nhận khoán tăng cường thực hiện việc tuần tra, kiểm tra vào các thời điểm là chiều tối, ban đêm và sáng sớm, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, bắt quả tang các đối tượng vi phạm; bám sát quần chúng nhân dân, nắm bắt tình hình, thông tin để kịp thời và cương quyết truy tìm các đối tượng vi phạm…
Cách làm hiệu quả nhất phải kể đến là việc triển khai cắm mốc ranh giới và cho người dân kí cam kết không lấn chiếm đất rừng. Ông Nguyễn Thanh Đường, Trạm trưởng Trạm QLBVR Đưng K’Nớ thuộc Ban QLRPH Đa Nhim cho biết, việc cắm mốc và để người dân cam kết không xâm hại đến rừng đã ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm ra ngoài diện tích đang sản xuất. Những diện tích nào bị lấn chiếm, Ban QLRPH Đa Nhim tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng để người dân biết là đất rừng không thể lấn chiếm. Chính vì làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm qua rừng Đưng K’Nớ không có diện tích bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.
Việc phục hồi lại rừng cũng từng bước được Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim chú trọng thực hiện, bằng biện pháp trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên các diện tích đất trống, đất giải tỏa và đất vi phạm, kinh phí được trích từ kinh phí sự nghiệp của đơn vị và huy động người dân tham gia lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Hoàng Văn Tiềm, Trạm trưởng Trạm QLBVR Đa Sar cho biết, việc huy động tham gia giải tỏa nóng những diện tích vi phạm được người dân hưởng ứng nhiệt tình, công tác trồng rừng cũng được thực hiện khá tốt, người dân trồng rừng không đòi hỏi tiền công trồng. Mỗi lần huy động được hơn 30 người đi cuốc băng, cuốc lật để trồng lại rừng trên diện tích bị lấn chiếm, Trạm Đa Sar đã trồng được 21/25 ha diện tích bị lấn chiếm. Đây cũng là hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây rừng.
Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng như diện tích và khối lượng lâm sản bị thiệt hại liên tục giảm qua các năm, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng là những kết quả nổi bật từ nỗ lực giữ rừng của lực lượng QLBVR ở Lạc Dương.
•
DỰA VÀO DÂN ĐỂ GIỮ RỪNG
Chúng tôi cùng với ông Liêng Jrang Ha Tư, Tổ trưởng tổ nhận khoán rừng Thôn 1 Trạm Đa Sar - Ban QLBVR PH đầu nguồn Đa Nhim tuần tra rừng tại Tiểu khu 155. Trên đường đi ông bảo với chúng tôi, sáng nay mình đi tuần tra rừng sớm. Chiều về còn thu hoạch đám sú cho thương lái. Mùa này, ai cũng bận hết, mình phải tranh thủ. Cũng theo ông, ngoài mỗi tuần cắt cử người đi tuần tra hai ngày cùng với cán bộ Trạm QLBVR Đa Sar, tổ của ông cũng như tất cả các tổ nhận khoán rừng ở đây đều có người tuần tra rừng hằng ngày. Tổ nhận khoán của ông Ha Tư gồm 18 hộ, nhận khoán 486 ha rừng.
Ông Tư nói, phải vào rừng mỗi ngày và làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con mới mong giữ rừng được. Trước đây rừng là của chung “cha chung nên chẳng ai khóc”, mạnh ai người nấy vào phá rừng, nhưng giờ khác rồi, nhận khoán và bảo vệ rừng rồi phải có trách nhiệm bảo vệ như giữ của nhà mình. Chỉ cần “nghe hơi” lâm tặc vào rừng bất kể ngày, đêm lập tức từ già đến trẻ đều chạy lên để đuổi chúng. “Mấy tổ nhận khoán QLBVR ở đây ai ai cũng vậy hết. Hằng ngày tổ trưởng đứng ra cắt cử người đi tuần tra rừng. Cứ mỗi tuần hai ngày đi tuần với cán bộ lâm nghiệp. Nếu hộ nào không đi thì đến kỳ nhận tiền, chúng tôi trừ 100.000 đồng, tự bà con chúng tôi đặt ra quy định này. Bởi vậy, từ trước đến giờ, không mấy hộ gia đình nhận khoán nào dám bê trễ”, ông Tư cho hay.
Sống dọc tuyến Quốc lộ 27 C từ Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais của huyện Lạc Dương có đến gần 17.000 dân, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số Cil, K’Ho... Bởi sự gia tăng về dân số như thế nên áp lực với những cánh rừng đầu nguồn Đa Nhim trong tương lai không hề nhỏ. Nhìn rộng ra một chút, thấy rằng Lạc Dương là đơn vị hành chính cấp huyện nằm gọn trong rừng phòng hộ (hơn 52.834 ha) và rừng đặc dụng (hơn 61.077 ha) để biết rằng rừng ở đây quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường.
Ông Đinh Hữu Đạo cho biết, những vụ lấn chiếm rừng sớm bị người dân nhận giao khoán phát hiện báo cơ quan chức năng giải tỏa ngay. Lực lượng QLBVR sẽ nhổ và trồng ngay trên diện tích đó cây rừng lớn từ 2 - 4 năm tuổi.
Đến hiện tại, cả huyện Lạc Dương có hơn 1.500 hộ và 5 đơn vị tập thể được nhận quản lý trên dưới 38.000 ha trong tổng số gần 45.000 ha do Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim quản lý, mỗi hộ dân sẽ nhận khoảng 13 triệu đồng/quý. Có lẽ, nêu lên những con số này để thấy rằng vai trò của rừng quan trọng như thế nào đối với người dân tộc thiểu số ở Lạc Dương. Mà quan trọng là việc làm thay đổi cả một nhận thức về QLBVR để từ đó những cánh rừng, nhất là những cánh rừng như rừng đầu nguồn Đa Nhim, được giữ gìn.
Cùng với lực lượng bảo vệ rừng, người dân cũng giống như những người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ cho màu xanh của rừng Lạc Dương. Rừng chẳng khác nào cuộc sống của họ, bởi vậy trách nhiệm của họ là phải nỗ lực gìn giữ.
HOÀNG YÊN