Nỗ lực giữ rừng giữa cao điểm dịch bệnh COVID-19

06:11, 08/11/2021

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp...

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (huyện Đức Trọng) đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, cùng với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
 
Trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, cùng với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng
Trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã huy động 100% quân số ngày đêm đóng chốt, cùng với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng
 
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết: Hiện, đơn vị đang quản lý 17.758,23 ha rừng và đất lâm nghiệp tại 47 tiểu khu nằm trên 13 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn là 8.120,1 ha, đất rừng sản xuất là 9.638,13 ha. 
 
Với địa bàn quản lý rộng khắp, lực lượng bảo vệ rừng của Ban ngày càng đối mặt với những áp lực nặng nề về công tác quản lý, nhất là khi các đối tượng phá rừng ngày càng thủ đoạn, tinh vi gây ra các vụ phá rừng trái pháp luật. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn mỏng, thiếu nhân lực, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai của người dân còn hạn chế; nhu cầu về đất để sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên dẫn đến việc lấn, chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp vẫn còn xảy ra. Tâm lý sợ bị Nhà nước thu hồi đất và lo ngại cây trồng xen ảnh hưởng đến cây trồng công nghiệp nên người dân không muốn nhận cây trồng xen vào nương rẫy, vì vậy đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng xen, trồng đai rừng. 
 
Xác định công tác bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên huyện Đức Trọng luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, rừng có nguy cơ mất an toàn cao bởi các đối tượng xấu có thể lợi dụng sơ hở để xâm hại nên từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã chủ động xây dựng các biện pháp tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức các hộ nhận khoán trực 24/24 h tại rừng, tổ chức làm việc các ngày nghỉ trong tuần, làm ngoài giờ hành chính... 
 
Đồng thời, đơn vị đã thành lập 5 đội bảo vệ rừng chuyên trách gồm 19 người. Hàng tuần, đơn vị xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng cho các đội bảo vệ rừng chuyên trách, tổ chức phối kết hợp với lực lượng nhận khoán đi tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tại khu vực dọc hai bên đường cao tốc Liên Khương - Prenn và khu vực có phân bố cây thông đỏ.
 
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, Trung tâm Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm huyện trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, các văn bản quy định trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện Đề án 1836… bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền bằng loa, đài phát thanh, lồng ghép trong các buổi họp thôn, xã, phát tờ rơi, áp phích, nhằm để cho mọi người dân hiểu rõ những quy định và giá trị, lợi ích của rừng để từ đó cùng nhau có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Tổ chức họp các tổ nhận khoán bảo vệ rừng mỗi tháng một lần để tuyên truyền và đôn đốc các tổ bảo vệ rừng thực hiện các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, ken cây, đầu độc cây bằng hóa chất và thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô đối với người dân sống, sản xuất gần rừng, giáp rừng và xen kẽ trong rừng…
 
Theo ông Nguyễn Văn Nhẫn, nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến việc phối hợp kiểm tra, ngăn chặn cũng như các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ và phát triển rừng nên từ đầu năm đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trên địa bàn đã xảy ra 23 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 33 vụ, giảm 143% so cùng kỳ 2020.
 
Cùng đó, đơn vị đã chủ trì phối hợp UBND các xã và các ban, ngành thực hiện 12 kế hoạch truy quét, giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích 28,1 ha. Công tác phát triển rừng, trồng rừng sau giải tỏa đạt 10 ha (bằng 100% kế hoạch); trồng rừng vành đai được 53,5/80 ha; trồng xen cây lâm nghiệp theo Đề án 1836 được 392/507 ha. Hiện, đơn vị đang khẩn trương phối hợp, vận động các hộ dân để phấn đấu thực hiện đạt kế hoạch của UBND huyện Đức Trọng giao theo Đề án 1836.
 
HOÀNG SA