Trước tình hình một số khu vực vi phạm về phá, lấn đất rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp...
Trước tình hình một số khu vực vi phạm về phá, lấn đất rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp, để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, UBND huyện Di Linh đang yêu cầu các địa phương, đơn vị và các chủ rừng quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp giữ rừng.
Hiện trường vụ phá gần 1,5 ha rừng với lâm sản thiệt hại gần 23 m3 gỗ tạp tại Tiểu khu 711, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh mới đây |
Di Linh có hơn 90.000 ha rừng. Theo báo cáo, trong tháng 9/2021, toàn huyện đã xảy ra 11 vụ vi phạm lâm luật, giảm 5 vụ (tương đương 31,3%); giải tỏa được 1.323 m
2 diện tích cây trồng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép của các năm trước.
Vụ nổi cộm nhất thời gian qua là tại Khoảnh 3, Tiểu khu 711 xã Hòa Bắc. Theo hồ sơ vụ việc, trong quá trình tuần tra về quản lý, bảo vệ rừng, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đã phát hiện vi phạm phá rừng tại Tiểu khu 711 vào ngày 19/9. Sau khi khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Di Linh xác định, tổng diện tích bị tác động là 14.600 m
2 thuộc đối tượng rừng sản xuất theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 18/5/2011 của UBND tỉnh “về việc thu hồi đất lâm nghiệp và cho Doanh nghiệp tư nhân Lê Tám thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án đầu tư trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Di Linh” với lâm sản thiệt hại đã gom thành luống còn tại hiện trường là 366 lóng, khúc gỗ tạp, có khối lượng 22,931 m
3 gồm 3 hiện trường.
Hiện trường 1 và 3 với tổng diện tích 12.300 m2 thuộc diện tích tự nhiên nằm trong diện tích thiết kế giao khoán chi trả môi trường rừng của doanh nghiệp và hiện trường 2 với diện tích 2.300 m
2 nằm ngoài diện tích thiết kế giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng của doanh nghiệp này. Hiện Công an huyện Di Linh đã ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi ra khỏi nơi cư trú đối với bị can Phan Văn Dương (31 tuổi, ngụ xã Hòa Bắc) để điều tra về tội “Hủy hoại rừng”.
Đồng thời, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ, UBND huyện Di Linh đã thống nhất hình thức kiểm điểm đối với các cá nhân có liên quan theo đề xuất của các đơn vị cũng như phê bình và yêu cầu tập thể Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Hòa Bắc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng (Doanh nghiệp tư nhân Lê Tám), huyện Di Linh chỉ đạo xem xét trách nhiệm, lập hồ sơ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.
Theo UBND huyện Di Linh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và chủ rừng của địa phương không lơ là, tiếp tục với những giải pháp bảo vệ, đặc biệt là coi trọng giữ rừng các địa bàn giáp ranh. Yêu cầu tuyệt đối không để đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; tổ chức giải tỏa ngay diện tích đất do phá rừng, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm để đưa vào trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng; cương quyết không để đối tượng vi phạm sử dụng san ủi, chuyển nhượng trái pháp luật diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp... Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức đi kiểm tra rừng tại khu vực Đinh Trang Thượng, vùng giáp ranh với huyện Bảo Lâm, huyện Đắk Giong, tỉnh Đắk Nông, khu vực Tam Bố, Bảo Thuận, khu vực Gia Bắc-Sơn Điền, Hòa Bắc, vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Định kỳ hàng tháng UBND xã, Ban Lâm nghiệp xã phối hợp với các đơn vị chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra địa bàn, kịp thời xử lý các vụ việc theo thẩm quyền.
Cùng với vai trò của ngành lâm nghiệp, chủ rừng, hộ nhận khoán, việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ chủ chốt của huyện Di Linh thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, nhất là trong thời điểm tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng đang diễn ra phức tạp như hiện nay đã góp phần hiệu quả hơn trong việc giữ rừng của địa phương.
C.PHONG