Mặc dù một số hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường mới nhưng không có nghĩa đại dịch COVID-19 đã kết thúc...
Mặc dù một số hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường mới nhưng không có nghĩa đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần có các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch về lâu dài để “sống chung” an toàn với dịch COVID-19.
|
Công nhân Nhà máy Sợi lông cừu (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) lao động trở lại sau thời gian tạm ngừng sản xuất do có chùm ca bệnh COVID-19. Ảnh: C.Thành |
•
CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG
“Tất nhiên, chúng tôi không hề chủ quan bởi chúng tôi biết COVID-19 vẫn còn rất phức tạp. Nhưng thay vì hoang mang, lo lắng như trước đây khi có thông tin ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới thì nay tâm trạng chúng tôi đã bình tĩnh hơn để đối mặt với dịch bệnh”, chị Phạm Thị Thanh, một người dân ở làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt), chia sẻ. Theo chị Thanh, kể từ ngày làng hoa Vạn Thành xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 (7/10), người dân nơi đây đã rút ra được một số kinh nghiệm hữu ích, đó là chủ động tổ chức lại các hoạt động phù hợp hoàn cảnh mới để một mặt duy trì cuộc sống, mặt khác vẫn đảm bảo an toàn cho cá nhân và cộng đồng trước các mối nguy cơ từ COVID-19, bên cạnh tuân thủ nghiêm việc tiêm vắc xin, sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng nhằm hạn chế sự lây truyền virus SARS-CoV-2.
Bà Trần Thị Nga, một người dân ở xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), cho biết: “Tôi nghĩ dịch bệnh COVID-19 luôn tiềm ẩn ở mọi nơi và trong mọi tình huống, vì vậy mỗi người dân cần chủ động thích ứng các mức độ phòng, chống dịch, từ tâm lý cho đến hành động, nhất là ý thức”. Theo bà Nga, một vài tuần trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch và nhiều ca mắc COVID-19 mới, trong đó có những ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Điều này cho thấy nếu không kiểm soát tốt, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng là rất cao. “Trước thực tế đó, mức độ an toàn cao nhất vẫn là sự chủ động, linh hoạt từ chính mỗi cá nhân trong việc tạo ra những thói quen mới để thích nghi với trạng thái bình thường mới”, bà Nga nói rõ.
Ông Đỗ Phú Lương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, cũng cho rằng ý thức của người dân chính là một loại... vắc xin hữu hiệu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kỹ càng, chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự can thiệp chuyên môn của ngành Y tế.
|
Tuân thủ 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng |
•
TRÁNH TÂM LÝ CHỦ QUAN, KHINH SUẤT
Chị Hoàng Thị Kim Anh, một người dân ở Phường 2 (TP Bảo Lộc), tâm sự: “Việc tỉnh Lâm Đồng áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều rất tích cực. Các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân bắt đầu trở lại bình thường mới, trong khi dịch bệnh vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ý thức chấp hành phòng, chống dịch COVID-19 của một số người dân chưa thật sự tốt. Nhiều người còn có tâm lý chủ quan, lơ là như không mang khẩu trang khi ra đường. Nhiều hàng quán không có tấm chắn, không yêu cầu khách hàng khai báo y tế, quét mã QR, không đảm bảo giãn cách khi đến quán...”.
Theo lý giải của chị Anh, sở dĩ một số người dân có tâm lý chủ quan, khinh suất là vì trong số đó có người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 nên nghĩ nếu có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ hoặc không bị nhiễm bệnh. Do đó mà họ không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch về địa phương không thực hiện nghiêm chỉnh việc cách ly, theo dõi sức khỏe cẩn thận tại nhà sẽ lây cho người nhà. Người nhà không chịu phòng bệnh sẽ lại tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Trên thực tế, người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 vẫn có nguy cơ bị nhiễm và lây truyền bệnh cho người khác.
Cũng theo chị Anh, để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng, rất cần tinh thần tự giác phòng dịch và tuân thủ biện pháp 5K của mỗi người dân, cũng như cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt trong việc rà soát, kiểm soát người về từ vùng dịch để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
TRIỀU KA