Đã đến mùa hoa lay-ơn (Glaieul - tiếng Pháp) tết - mùa hoa chính trong năm, nhưng ngay "thủ phủ" của loài hoa này là xã Hiệp An, Đức Trọng, nằm ngay dưới chân đèo Prenn, Đà Lạt vẫn còn rất trầm lắng...
Đã đến mùa hoa lay-ơn (Glaieul - tiếng Pháp) tết - mùa hoa chính trong năm, nhưng ngay “thủ phủ” của loài hoa này là xã Hiệp An, Đức Trọng, nằm ngay dưới chân đèo Prenn, Đà Lạt vẫn còn rất trầm lắng. Vì tác động của dịch bệnh, nhiều nông dân không dám xuống giống vì sợ hoa không bán được.
|
Ông Đào Quốc Bình, người thôn Định An, Hiệp An, Đức Trọng đang chuẩn bị củ để xuống giống lay-ơn cho mùa tết năm nay |
Theo thông lệ, mùa hoa lay-ơn phục vụ nhu cầu tết - mùa hoa quan trọng nhất trong năm, được xuống giống trước Tết Âm lịch khoảng 3 tháng. Cứ vào khoảng cuối tháng 9 Âm lịch, người trồng lay-ơn tại 2 xã Hiệp An, Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng dưới chân đèo Prenn - vùng trồng hoa lay-ơn nhiều nhất Lâm Đồng hiện nay, lại bắt đầu xử lý củ, chuẩn bị làm đất và xuống giống cho mùa hoa tết. Thế nhưng, khác hẳn với mọi năm, năm nay không khí các làng hoa này có vẻ im lìm hẳn.
Đưa chúng tôi thăm các kệ chứa củ hoa lay-ơn và giới thiệu các loại củ hoa giống mới, ông Đào Quốc Bình, người thôn Định An, xã Hiệp An cho biết, thời điểm này các nhà vườn trồng hoa lay-ơn ở Định An đang cùng đồng loạt xuống giống cho vụ hoa tết. “Mọi người trong làng ai trồng hoa cũng chuẩn bị mọi thứ rồi, nhưng năm nay dịch bệnh kéo dài, hoa đi không được, có lúc bán chẳng ai mua, lỗ vốn quá nên giờ ai ai cũng ngần ngại” - ông Bình cho biết.
Gia đình ông Bình vừa chuyên canh hoa lay-ơn với 5 sào đất trong vùng, cũng vừa cung cấp củ giống hoa cho các nhà vườn trồng hoa trong vùng cũng như cho nhiều tỉnh khác trong nước. Theo ông, thông thường trước thời điểm này đã có rất đông các nhà vườn từ nhiều nơi đến đặt mua củ về trữ sẵn để trồng, nhưng đến nay củ giống nhà ông vẫn đang “ế” khách, mặc dù giá củ giống lay-ơn năm nay rẻ hơn nhiều so với mọi năm. Cụ thể, mỗi ký củ giống lay-ơn đã giảm từ 100 nghìn đồng xuống còn 60-70 nghìn đồng. Củ giống được ông Bình thu hoạch ngoài vườn về trong năm, giá củ giống đầu vụ chưa qua xử lý chỉ có 25 - 30 nghìn đồng/ký. Sau khi thu hoạch, ông cho củ giống “ngủ đông” trong phòng lạnh chừng 2 tháng, sau đó mang ra phân loại, để sẵn trên kệ cho ra rễ chuẩn bị cho mùa tết.
“Vụ tết năm nay, mặc dù giá củ rẻ hơn nhưng nhiều nhà vườn vẫn không dám trồng nhiều, có nhà còn bỏ trống đất. Hai năm liền bà con đều thất thu vì ảnh hưởng dịch bệnh nên vụ hoa tết năm nay nông dân vẫn làm dè chừng. Gia đình tôi cũng đã giảm 3 tạ củ trong xuống giống mùa này so với những vụ tết trước”- ông Bình cho hay.
Rút kinh nghiệm trong đợt dịch, ông Bình cho biết, gia đình ông thời gian qua đã trồng hoa rải vụ, không tập trung nhiều vào vụ tết để đảm bảo thu nhập. Vụ tết năm nay, gia đình chỉ trồng 2 sào hoa lay-ơn, diện tích còn lại ông Bình trồng hành lá vì mặt hàng này đang cho lợi nhuận khá cao.
Tại cơ sở chuyên cung cấp củ giống lay-ơn Trần Mến cũng tại thôn Định An, xã Hiệp An, ông Mến đang lo lắng khi hiện tại mặt hàng củ giống lay-ơn bán vẫn chậm. “Hoa lay-ơn vùng này chủ yếu đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, năm nay dịch bệnh nên người dân vẫn không dám mạnh dạn đầu tư. Củ giống cơ sở tôi bán chủ yếu cho vùng trồng hoa lay-ơn Phú Yên trồng vụ tết hằng năm, nhưng năm nay do dịch bệnh nên lượng khách hàng đặt mua rất ít dù củ giống giá hạ, lượng củ tồn kho còn nhiều”. Vụ hoa tết năm nay, dù nhà đất rộng nhưng ông Mến chỉ trồng 5 sào lay-ơn, giảm hơn một nửa so với những vụ tết trước.
Theo ông Thái Bình Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, vụ hoa tết luôn là vụ mùa chính của xã Hiệp An, bà con nông dân nơi đây tập trung vào canh tác các loại hoa bán cho mùa tết, đặc biệt là hoa lay-ơn. Tổng diện tích trồng lay-ơn của xã chủ yếu tại thôn Định An và thôn K’Long với khoảng hơn 100 ha, tuy nhiên người dân Hiệp An còn đi thuê đất để trồng hoa lay-ơn tại một số khu vực lân cận như vùng Liên Khương, N’Thol Hạ, Ninh Gia, trong các xã vùng Loan... của huyện Đức Trọng, thuê nhiều nhất là tại xã Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương.
Tuy nhiên, như ông Đông cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, không ít hộ dân trong xã chuyển sang trồng rau, một số hộ còn bỏ đất trống không canh tác, đến giờ cũng chưa dám đầu tư lại. Cùng đó, trên địa bàn Hiệp An còn có dự án hồ chứa nước Ta Hoét với tổng diện tích đất thu hồi rất lớn, trên 120 ha. Hiện địa phương đã có thông báo thu hồi đất và đang tiến hành đền bù, trong quá trình thu hồi đất, người dân không được canh tác sản xuất trên diện tích đất thu hồi, do đó dự kiến diện tích và sản lượng trồng hoa lay-ơn tết năm nay của xã giảm hơn rất nhiều so với các năm trước.
Tương tự, tại xã Hiệp Thạnh, theo ông Nguyễn Tấn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, tổng diện tích trồng hoa lay-ơn trong xã rất lớn, khoảng 100 ha, nhiều nhất là tại thôn Phú Thạnh. Tuy nhiên, không dừng lại ở diện tích này mà người dân Hiệp Thạnh, cũng giống như người xã Hiệp An, đi thuê đất rất nhiều nơi để trồng hoa lay-ơn mùa tết. Không thống kê hết nhưng phần thuê này hằng năm cũng gần tương đương với diện tích canh tác hoa ở xã.
“Hoa lay-ơn không khó trồng, người dân nơi đây trồng lâu năm nên rất có kinh nghiệm, mùa tết bao giờ hoa cũng bán chạy với giá tốt hơn bình thường, hoa Đà Lạt chuộng khắp nơi trong nước nên người dân địa phương bao giờ cũng chuẩn bị mùa hoa tết rất chu đáo. Nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh thị trường phập phồng thế này, ít ai dám mạnh dạn đầu tư như năm trước, nhiều nhà đến giờ còn bỏ đất trống, chắc chắn năm nay diện tích và sản lượng hoa lay-ơn không bằng những năm trước” - ông Minh khẳng định.
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH