Lâm Đồng, với đặc thù một tỉnh nông thôn miền núi, với nhiều vùng còn rất nhiều khó khăn đang nỗ lực đêm ngày trong việc "gieo" con chữ, đưa tri thức đến với bầy trẻ thân yêu...
Lâm Đồng, với đặc thù một tỉnh nông thôn miền núi, với nhiều vùng còn rất nhiều khó khăn đang nỗ lực đêm ngày trong việc "gieo" con chữ, đưa tri thức đến với bầy trẻ thân yêu. Và, trên con đường dạy và học ấy, thầy cô và học trò của ngành giáo dục đang thể hiện tình yêu thương với một phong trào có cái tên rất thân thuộc: Trường giúp trường.
|
Đoàn viên Công đoàn Trường Hermann Gmeiner tham gia phong trào Chuyến xe 0 đồng |
Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục chia sẻ, sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, đầu tư, nhằm mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tiễn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về nơi ăn, chốn ở, công trình vệ sinh, nước sạch, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học... để an tâm công tác cống hiến cho sự phát triển của ngành. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam kêu gọi vận động toàn ngành thực hiện “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Thấu hiểu nhu cầu thực tiễn, Sở GDĐT và CĐGD tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ, sớm triển khai cuộc vận động gắn với phong trào “Trường giúp trường”, làm cho cuộc vận động càng ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả và lan tỏa sâu, rộng hơn trong ngành. Những hoạt động ấy tiếp tục giúp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động vùng khó khăn an tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Ông Ngô Văn Sơn cung cấp, phong trào Trường giúp trường được ngành rất quan tâm chỉ đạo. Ngành chỉ đạo các trường học có điều kiện hỗ trợ các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn trong nhiều hoạt động. Trong 5 năm (2016-2021) tổ chức thực hiện phong trào, bên cạnh việc tổ chức giúp đỡ nhau về chuyên môn - nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo... các đơn vị được phân công giúp đỡ đã quyên góp để xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch... với số tiền là 4,7 tỷ đồng. Mỗi năm, từ 40-50 trường học tham gia hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch, hiện vật bao gồm bàn ghế học sinh, sách giáo khoa, bút, giày cho học sinh... cho các trường bạn còn khó khăn. Ngành còn kêu gọi các ngành giáo dục địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hỗ trợ xây trường, cải tạo cơ sở vật chất theo chương trình “Tỉnh giúp tỉnh”. Ông Ngô Văn Sơn chia sẻ, dù năm học 2020-2021 là một thách thức lớn với thầy và trò ngành Giáo dục Lâm Đồng, nhưng phong trào Trường giúp trường vẫn được triển khai hiệu quả. Đã có 45 công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện theo sự phân công của Sở và Công đoàn ngành với tổng số tiền và hiện vật trị giá 393 triệu đồng giúp 2 đơn vị xây dựng mới nhà công vụ và sửa chữa nhà tập thể tại Trường THCS&THPT Xuân Trường, THCS&THPT Lộc Bắc. Trong năm học, các đơn vị đã hỗ trợ nhau bằng hiện vật, tiền mặt với tổng trị giá trên 620 triệu đồng.
Không chỉ các đơn vị trường học trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục được phân công giúp đỡ, Phòng GDĐT và các CĐCS khối giáo dục thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố cũng chủ động tự quyên góp giúp các trường học tại địa phương. Gần 1 tỷ đồng đã được các trường học quyên góp cùng nhiều hiện vật trao đến tận tay thầy và trò trong tỉnh. Ngoài việc vận động nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên toàn tỉnh ủng hộ cho giáo dục vùng sâu, vùng xa khó khăn của tỉnh, ngành Giáo dục Lâm Đồng còn nhận được sự giúp đỡ ân tình, quý báu của CĐGD Việt Nam, CĐGD Thành phố Hồ Chí Minh, CĐGD TP Hà Nội với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và các hiện vật để đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, giếng nước, nhà công vụ giáo viên và trợ cấp cho cán bộ - nhà giáo - người lao động bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân hàng năm.
Không những vận động hỗ trợ bằng vật chất, các đơn vị được phân công giúp đỡ các đơn vị vùng sâu, vùng xa về chuyên môn, nghiệp vụ đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới giáo dục... Một số đơn vị không thuộc diện phân công giúp đỡ các đơn vị khó khăn nhưng đã tự nguyện quyên góp ủng hộ, giúp cho cuộc vận động đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Mỗi tấm lòng là một chút tình, góp phần lan tỏa tình yêu thương đồng nghiệp, thầy cô - trò, đồng hành cùng con đường dạy và học đầy thấu hiểu.
DIỆP QUỲNH