Đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả Thủy điện Đại Ninh trong mùa mưa lũ 2021

08:12, 14/12/2021

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và diễn biến bất thường, mưa lớn kèm theo đó là các cơn lũ thường tập trung vào những tháng cuối năm, do vậy công tác phòng chống thiên tai và bảo đảm vận hành an toàn cho công trình là hết sức quan trọng...

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và diễn biến bất thường, mưa lớn kèm theo đó là các cơn lũ thường tập trung vào những tháng cuối năm, do vậy công tác phòng chống thiên tai và bảo đảm vận hành an toàn cho công trình là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra đối với các hồ chứa thủy điện là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân phía hạ du; đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho mục đích phát điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
 
Để thực hiện tốt tất cả các mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2021, Công ty Thủy điện Đại Ninh đã ban hành kế hoạch công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 (ngày 26/01/2021) với những nội dung và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị; rà soát, cập nhật, bổ sung và hiệu chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện công trình Thủy điện Đại Ninh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Công ty nhằm chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo, chỉ huy tại chỗ; lực lượng huy động tại chỗ; vật tư, hậu cần tại chỗ; phương tiện tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai với hiệu quả cao nhất.
 
“Việc kiểm tra thường xuyên an toàn đập, tình trạng vận hành các thiết bị đập tràn, dòng chảy và hành lang thoát lũ; các hệ thống quan trắc lượng mưa trên lưu vực và cảnh báo hạ du; tuyên truyền về phương án bảo vệ đập và ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa; giả lập tất cả các tình huống tính toán, sự cố có khả năng xảy ra để từ đó diễn tập kỹ năng thao tác cho nhân viên vận hành - bảo trì là rất quan trọng để chủ động ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho hạ du” - ông Võ Tăng Lý, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Công ty nhấn mạnh. 
 
Diễn tập xử lý sự cố khi phát hiện mạch sủi trên thân đập
Diễn tập xử lý sự cố khi phát hiện mạch sủi trên thân đập
 
Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh và ảnh hưởng của rìa phía Bắc rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5 - 8 độ Vĩ Bắc kết hợp nhiễu động gió đông trên cao đã gây mưa trên lưu vực, kết hợp với hồ Đơn Dương xả lũ nên trong tháng 11/2021 vừa qua, hồ Đại Ninh đã xuất hiện 2 cơn lũ: Cơn lũ số 1 với lưu lượng đỉnh lũ là 572 m3/s lúc 12h00 ngày 12/11/2021, tổng lượng lũ đến hồ là 70,6 triệu m3 và cơn lũ số 2 với lưu lượng đỉnh lũ là 461 m3/s lúc 16h00 ngày 01/12/2021, tổng lượng lũ đến hồ là 56,2 triệu m3. Nhờ sự chuẩn bị tốt nên lưu lượng xả lớn nhất của Công ty là 300 m3/s và tổng lượng xả chỉ chiếm 65% so với tổng lưu lượng lũ đến hồ, đảm bảo giảm lũ và an toàn cho hạ du. Công tác vận hành điều tiết hồ chứa tuân thủ đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
 
Vận hành xả nước qua tràn để tăng dung tích phòng lũ của hồ chứa
Vận hành xả nước qua tràn để tăng dung tích phòng lũ của hồ chứa
 
Để chủ động trong công tác vận hành điều tiết hồ chứa và tính toán dự báo lũ về hồ Đại Ninh, ngày 15/10/2021, Công ty đã xây dựng và ban hành tài liệu “Hướng dẫn tính toán, dự báo lũ hồ Đại Ninh” trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết chuyên ngành và đúc rút kinh nghiệm trong 14 năm qua. Hướng dẫn cũng kết hợp với khai thác dữ liệu lượng mưa từ các trạm đo mưa trên lưu vực hồ Đại Ninh trên website VRAIN do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng lắp đặt. Kết quả tính toán dự báo trong 2 cơn lũ vừa qua nâng cao hiệu quả cho công việc vận hành điều tiết hồ chứa.
 
Công ty đã xây dựng Dự thảo Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đại Ninh trên cơ sở của Quy trình cũ đã được Bộ Công thương phê duyệt, đồng thời cập nhật theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (1895/QĐ-TTg 25/12/2019), Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019. Ngày 07/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định số 2910/QĐ-UBND để ban hành Quy trình này. 
 
Để đáp ứng các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo Thông tư 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 và Thông tư 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 11/2021 Công ty đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống thiết bị giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước về Cục Quản lý tài nguyên nước và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.
 
Hệ thống camera giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Hệ thống camera giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
 
Trong việc vận hành hồ chứa đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn công trình cũng như khai thác tối đa, hiệu quả nguồn nước để phát điện lên hệ thống điện Quốc gia, cung cấp nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của tỉnh Bình Thuận,  Công ty luôn thực hiện các việc sau:
 
Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, quan trắc và tính toán thủy văn, cung cấp thông tin về vận hành hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị liên quan khi thực hiện xả nước qua tràn; thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa theo đúng quy trình vận hành liên hồ và lệnh vận hành hồ của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để đảm bảo an toàn cho công trình và cho dân cư phía hạ du khi xả lũ.
 
Thường xuyên kiểm tra công trình hồ đập, thiết bị đang vận hành và thiết bị dự phòng tại đập tràn và nhà máy để sớm phát hiện khiếm khuyết, khắc phục nhanh chóng để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, nâng cao độ khả dụng để phát điện. Vào tháng 11 hàng năm, thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân công tác phòng chống thiên tai, xả lũ, bảo vệ hành lang an toàn hồ - đập - hành lang thoát lũ, phương án ứng phó thiên tai. 
 
Công tác kiểm tra thiết bị nhà máy để nâng cao hệ số khả dụng phát điện
Công tác kiểm tra thiết bị nhà máy để nâng cao hệ số khả dụng phát điện
 
Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên báo cáo, phối hợp với Tổng Công ty Phát điện 1, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trong công tác chào giá, lập lịch huy động tổ máy nhằm khai thác tối ưu nguồn nước, tạo dung tích phòng lũ cho hồ chứa và tránh xả thừa; tiếp tục theo dõi diễn biến thủy văn, thời tiết trên lưu vực và phối hợp các cơ quan ban ngành trong công tác vận hành điều tiết hồ chứa để tích dần mực nước hồ lên cao trình mực nước dâng bình thường vào cuối năm và sẵn sàng phát điện cung ứng cho mùa khô năm 2022; tính toán các phương án khai thác hồ chứa nhằm ưu tiên đảm bảo các lợi ích về an toàn hồ đập, cấp nước cho hạ du và cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia an toàn, ổn định.
 
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phát triển lan rộng, Công ty đã thực hiện tốt 3 tại chỗ, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kép. Dự kiến cả năm sản lượng điện năng phát lên Hệ thống điện Quốc gia là 1,25 tỷ kWh, đạt 168% sản lượng điện theo kế hoạch năm của Bộ Công thương giao (741,5 triệu kWh), tích nước đầy hồ 880 m vào cuối năm. Công ty thực hiện nghĩa vụ thuế, phí môi trường rừng trong năm cho tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận là 229 tỷ đồng; thực hiện công tác an sinh xã hội và đóng góp Quỹ Phòng chống Covid-19 cho địa phương với số tiền 634 triệu đồng.
 
NGUYỄN THANH PHONG