Chống hạn ở xã vùng khó

06:03, 15/03/2022
Thời gian trước và sau Tết âm lịch Nhâm Dần 2022 đến nay, mặc dù ở các xã trên địa bàn huyện Di Linh đã có vài trận mưa trên diện rộng, thế nhưng ở các xã vùng khó như Sơn Điền và Gia Bắc, tình hình thời tiết vẫn hanh khô, khiến việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của Nhân dân bị ảnh hưởng.
 
Người dân xã Gia Bắc tập trung chống hạn cho cây trồng
Người dân xã Gia Bắc tập trung chống hạn cho cây trồng
 
Nằm ở khu vực vùng núi cao, có độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mực nước biển và giáp tỉnh Bình Thuận, thuộc vùng khí hậu thời tiết khá khắc nghiệt, nên cứ đến mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5), trên địa bàn 2 xã Sơn Điền và Gia Bắc thường xảy ra hiện tượng thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân.
 
Địa bàn xã Gia Bắc có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên sinh sống. Theo thống kê, toàn xã có trên 1.482 ha cà phê, 443 ha bắp, đây được xem là 2 loại cây trồng chủ lực của người dân tại địa phương. Là khu vực có địa hình đồi núi cao và gặp nhiều bất lợi về thời tiết so với các xã khác trong huyện, nên mỗi khi bước sang mùa khô, Nhân dân xã Gia Bắc luôn chủ động các phương tiện máy cày, máy kéo, máy bơm, ống tưới tập kết tại các hồ, đập… để chống hạn cho cây trồng. 
 
Gia đình ông K’ Gêu ở thôn Bồ Be có khoảng 2 ha cà phê, do khó khăn về nguồn nước tưới nên từ Tết Nguyên đán đến giờ gia đình ông mới chỉ tưới đợt 2. “Từ trước, trong và sau Tết âm lịch Nhâm Dần 2022 đến nay, trên địa bàn xã Gia Bắc nắng nóng kéo dài khiến việc đầu tư phát triển sản xuất của người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, cây cỏ để lại giữ độ ẩm cho đất cũng đã bị cháy khô, cây cà phê đã có dấu hiệu rũ lá, vàng úa, héo khô. Nếu tình hình khô hạn này tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn chẳng những về nguồn nước tưới tiêu, chi phí xăng dầu, mà năng suất cà phê vụ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông K’ Gêu nói. 
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tại địa phương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, mà cụ thể là chống hạn hiệu quả, những năm qua, chính quyền các cấp đã đầu tư xây dựng 4 hệ thống công trình hồ, đập tích nước chống hạn gồm: Đạ Hiòng, Hà Giang, Ka Să và Nao Sẻ. Ngoài các công trình hồ, đập nói trên, đồng bào xã Gia Bắc còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào 109 ao hồ nhỏ và 7 giếng khoan, nhờ đó, đã góp phần đáng kể trong việc chống hạn, nhất là ở những khu vực diện tích đất sản xuất xa nguồn nước. 
 
Ông Trần Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho biết: “Diện tích đất canh tác cây cà phê cần nguồn nước tưới theo kế hoạch là 1.482 ha, trong đó có 1.190 ha được tưới chủ động. Trước những khó khăn trong việc chống hạn, ngay từ cuối năm 2021, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực chăm sóc và chống hạn cho cây trồng. Qua thống kê, đến nay, toàn xã đã có 100% diện tích có nguồn nước được tưới đợt 1, khoảng 90% diện tích được tưới đợt 2, riêng đợt 3 mới tưới được khoảng 50% diện tích và gần 453 ha không có nguồn nước tưới”. 
 
Qua thực tế cho thấy, nhìn chung, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ chống hạn ở xã Gia Bắc đều có diện tích, năng lực tưới còn rất hạn chế, nằm gần khu dân cư hoặc xung quanh đều là diện tích đất sản xuất của người dân. Mặt khác, thời gian các công trình này đưa vào khai thác cũng đã nhiều năm, nên đã bị bồi lắng, tích nước kém… Và, có một số công trình đến nay đã bị cạn nước nên cần được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sớm có giải pháp duy tu, nạo vét, kịp thời tích nước trong mùa mưa sắp đến để phục vụ cho Nhân dân chống hạn trong mùa sau. 
 
NDONG BRỪM