Nông dân vùng sâu vượt khó phát triển kinh tế

06:03, 16/03/2022
Nhờ tích cực thực hiện có hiệu quả các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, nên thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện Di Linh đã từng bước cải thiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và hướng đến giảm nghèo bền vững. 
 
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Thương, xã Đinh Trang Thượng
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Thương, xã Đinh Trang Thượng
 
Điển hình trong phong trào này phải kể đến xã Đinh Trang Thượng, tuy là một trong những xã vùng sâu của huyện Di Linh, trình độ dân trí không đồng đều nhưng trong những năm qua, chính quyền địa phương đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tư duy sản xuất. Trong phát triển kinh tế, cán bộ, đảng viên luôn tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chương trình tái canh cà phê giống mới. Từ đó, làm cơ sở để định hướng cho người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mà cụ thể là chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, trồng cà chua, dưa leo và thực hiện các mô hình trồng xen canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như: bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca, bưởi da xanh, mít…; đồng thời, kết hợp phát triển vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương.
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình sản xuất trên địa bàn xã, ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết, ngoài các mô hình trồng trọt thì hiện tại địa phương đang phát triển mạnh chăn nuôi, chủ yếu là lợn đen, gà thả vườn và đàn dê. Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Thương - Hoàng Tiến Mạnh ở Thôn 1 chọn mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi dê để phát triển kinh tế. Với khoảng 4,5 ha đất sản xuất, đến nay, gia đình chị Thương đã chuyển đổi diện tích 0,5 ha cà phê đang kinh doanh sang trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nuôi dê. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thương bộc bạch, trước đây, gia đình chị nuôi lợn nhưng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên vài năm trở lại đây chuyển sang nuôi dê. Ở khu vực này điều kiện đất đai khá rộng rãi, thoáng mát, lại nằm sát cánh rừng và tách biệt với khu dân cư nên rất thuận lợi phát triển chăn nuôi. Từ 36 con dê giống ban đầu, sau một thời gian nuôi, có thời điểm đàn dê phát triển lên đến 100 con. “Nuôi dê đòi hỏi ở người chăn nuôi phải có niềm đam mê, còn về kỹ thuật thì tự tìm tòi, học hỏi trên trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, gia đình tôi là thành viên của Hội Nuôi dê Lâm Đồng nên khi có khó khăn gì về kỹ thuật, chúng tôi đều tương tác, chia sẻ với thành viên trong nhóm. Qua một thời gian chăn nuôi, gia đình tôi nhận thấy nuôi dê ổn định hơn nuôi lợn. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, gia đình không đủ dê thương phẩm để cung cấp cho thị trường”, Chị Nguyễn Thị Ngọc Thương nói. Ngoài nguồn thu vài trăm triệu đồng từ chăn nuôi, bình quân mỗi năm, gia đình chị Thương còn thu được khoảng 6 tấn cà phê nhân và 3 tấn quả bơ, mắc ca.
 
Tương tự, đối với nhiều hộ dân ở xã vùng sâu Sơn Điền, thời gian qua, bà con cũng đã nỗ lực chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và thực hiện một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài các mô hình trồng xen, bà con nông dân trong xã đã chú trọng xây dựng, mở rộng chuồng trại phát triển nuôi bò, nuôi thỏ, nuôi lợn đen địa phương. Là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do diện tích đất canh tác hạn chế, nên nhiều năm qua, vợ chồng chị Ka Hớp - K’ Wên ở thôn Kon Sỏ luôn gắn bó với việc chăn nuôi bò. Chị Ka Hớp cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 3 sào cà phê, nên những năm qua, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu nguồn thu từ đàn bò. Tuy nhiên, do khó khăn đồng cỏ bị thu hẹp nên cuối năm 2021, gia đình tôi đã bán toàn bộ 18 con bò được 110 triệu đồng để thay đổi mô hình sản xuất, đồng thời, tận dụng chuồng bò để nuôi gà thả vườn”. Còn với gia đình anh K’ Đêm cũng ở thôn Kon Sỏ có 2,5 ha đất canh tác cà phê, mỗi năm, bình quân thu được 6 tấn cà phê nhân. Thời gian qua, ngoài tập trung chuyển đổi bằng hình thức ghép cải tạo, tái canh giống cà phê mới, gia đình anh đã tận dụng đất vùng trũng gần nguồn nước với diện tích 1 ha để trồng dâu nuôi tằm; đồng thời, duy trì nuôi gà, thả cá và chăn nuôi lợn đen để cải thiện và nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ sự năng động, mạnh dạn trong sản xuất, nên đến nay kinh tế gia đình phát triển khá và có điều kiện chăm lo cho 3 người con ăn học.  
 
Ông K’ Xuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, cho biết: “Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, những năm gần đây, người dân đã ý thức trong việc chủ động, mạnh dạn vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực thực hiện các mô hình trồng xen cũng như kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững”.
 
LAM PHƯƠNG