Thổi luồng gió mới cho hoa Đà Lạt

06:03, 17/03/2022
Có thể khẳng định, Lâm Đồng là địa phương đi đầu và sớm nhất cả nước áp dụng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, canh tác hoa là một thành tựu nổi bật. Đặc biệt, việc thường xuyên thêm vào danh sách hoa Đà Lạt các giống hoa mới, tiếp “luồng gió mới” cho Hoa Đà Lạt đã mang lại sức sống cho xứ hoa.
 
Khảo nghiệm hoa carla của Dalat Hasfarm
Khảo nghiệm hoa carla của Dalat Hasfarm
 
Sản xuất hoa ở Lâm Đồng có nhiều lợi thế so với các tỉnh khác do có đặc điểm về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, giống hoa mới có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Với diện tích sản xuất hoa hàng năm khoảng 8.500-9.000 ha, nhu cầu giống của tỉnh rất lớn, khoảng 2,5-2,8 tỷ hạt, cây, củ, ngọn. Ngoài ra, thị hiếu người tiêu dùng luôn thay đổi theo thời gian, ưa chuộng các sản phẩm của nước ngoài với các giống hoa mới, màu sắc lạ, nổi bật. Mở rộng thị trường xuất khẩu cũng rất khó do không có bản quyền giống, bảo hộ giống hoa. Vì vậy, hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu các giống mới để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
 
Hiện nay, hoa Đà Lạt có trên 400 loài với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ nước ngoài, nhiều nhất là hoa thuộc hai họ lan và cúc. Để đảm bảo đủ nguồn giống cũng như có thêm những màu sắc mới, hàng năm, một số doanh nghiệp trong Hiệp hội hoa Đà Lạt đã chủ động tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tìm hiểu các giống hoa mới triển vọng, có thị trường tiêu thụ ổn định và thích nghi với nhiều phương thức canh tác, đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu, khảo nghiệm đánh giá các giống mới có triển vọng và ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng. Lượng cây giống nhập khẩu hàng năm mới chỉ đạt từ 62,44-76,82 triệu cây (đáp ứng 2,7-3,0% nhu cầu của tỉnh), chủ yếu từ các nước Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp... 
 
Chính vì mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng hoa Đà Lạt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xây dựng Dự án Nhập khẩu và mua bản quyền giống rau, hoa và làm việc với Cục Bảo vệ thực vật xin cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu trực tiếp, không qua PRA (phân tích nguy cơ dịch hại). Từ năm 2018 tới nay, từ đề án, nhiều loài hoa mới đã có mặt tại Đà Lạt. Năm 2018, hỗ trợ 02 doanh nghiệp nhập khẩu 109.903 cây, củ, ngọn, hạt/08 giống hoa. Qua quá trình khảo nghiệm những giống phù hợp với điều kiện sinh thái tại Lâm Đồng và có triển vọng để nhân rộng sản xuất, đáp ứng thị hiếu của thị trường Việt Nam bao gồm hoa loa kèn, lan Nam Phi, hoa hạnh phúc và hoa thược dược. 
 
Năm 2019, 08 doanh nghiệp và Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa tham gia dự án nhập khẩu 457 triệu cây, củ, chậu, hạt giống hoa và 70 kg hạt giống rau/39 giống rau, hoa. Sau khi nhập khẩu giống, các doanh nghiệp đã tiến hành trồng khảo nghiệm để đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái tại tỉnh Lâm Đồng, thị hiếu của người tiêu dùng trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, có một số giống đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng gồm amaryllis, ornithogalum, calla lily.
 
Năm 2020, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng phê duyệt Kế hoạch Nhập khẩu, khảo nghiệm giống hoa có bản quyền năm 2020, trong đó hỗ trợ 3 doanh nghiệp nhập nội 8 giống hoa từ 3 nước với tổng số 362.700 cây, củ, hạt giống hoa các loại như loa kèn, hoa chuông, hoa thiên sứ, củ amaryllis, củ gloriosa. Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Dalat Hasfarm, doanh nghiệp hoa xuất khẩu lớn nhất Việt Nam đánh giá: “Nhập nội, khảo nghiệm và đưa hoa ra thị trường là hoạt động rất quan trọng của chúng tôi. Các giống hoa nhập khẩu giúp cung ứng cho thị trường màu sắc mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng”.
 
Giai đoạn năm 2021-2025, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu để trồng khảo nghiệm đánh giá sự thích nghi, tiềm năng thương mại của các giống này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu nhập khẩu các giống mới như (alstroemeria, campanula, amaryllis, fatsia japonica, craspedia, scilla peruviana, lavender, matricaria,...) đã được các doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu đánh giá là những giống triển vọng có màu sắc đẹp, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu tại Lâm Đồng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Với việc nhập khẩu giống hoa, khảo nghiệm một cách bài bản, hoa Đà Lạt được thổi những luồng gió mới, cung ứng cho thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu, đưa hoa Việt ra quốc tế.
 
DIỆP QUỲNH