Thực hiện Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' trong tình hình mới

06:03, 16/03/2022
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là Cuộc vận động) đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. 
 
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn luôn được tỉnh quan tâm, xúc tiến
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn luôn được tỉnh quan tâm, xúc tiến
 
2 năm gần đây, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng, nên công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm tiện ích, nghiệp vụ thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0 được quan tâm, chú trọng. Các đơn vị, ban, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử. 
 
Đặc biệt, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hàng năm đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội… 
 
Thời gian qua, MTTQ và các thành viên đã phối hợp với ngành Công thương tuyên truyền thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước”, tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận thị trường để cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; vận động Nhân dân trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong dịp Tết Nguyên đán, chia sẻ khó khăn của bà con nông dân trong đại dịch COVID-19… Đồng thời, tham gia xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tích cực tham gia các hoạt động của Ban chỉ đạo 389, vận động Nhân dân kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp lễ, Tết; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. 
 
Mới đây nhất, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận từ tỉnh đến cơ sở về triển khai các nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 28/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 86 ngày 28/2/2022 về việc thực hiện cuộc vận động nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc triển khai cuộc vận động; phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong hưởng ứng cuộc vận động; khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt góp phần nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục hồi nhanh nền kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
 
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết: Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đề nghị tất cả các ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông; các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 theo Kế hoạch số 5754/KH-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch số 6083/KH-UBND ngày 24/8/2021 về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cùng đó là việc tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại (FTA) khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia . Tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong tham gia sản xuất, đăng ký xây dựng thương hiệu gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,... góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng. Vận động Nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi gian lận trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Kịp thời tuyên truyền biểu dương, khen thưởng, phát huy, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động. 
 
Cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu triển khai khảo sát về mức độ lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng Việt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để có cơ sở đề ra các giải pháp phù hợp trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền các cấp có cơ chế, giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
 
NGUYỆT THU