Mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng lao động nữ phi chính thức (LĐNPCT) tại Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng chưa tiếp cận các dịch vụ xã hội đầy đủ. Vì vậy, việc hỗ trợ đối tượng này tiếp cận các dịch vụ xã hội sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo sự công bằng, bình đẳng và đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
|
Các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ đối tượng phụ nữ tạm cư. |
Theo nghiên cứu xã hội học do Trường Đại học Đà Lạt thực hiện cho thấy, tại thành phố Đà Lạt có khoảng 16 ngàn lao động nữ làm việc ở các cơ sở kinh tế cá thể, phi nông, lâm nghiệp và lực lượng lao động nữ di cư từ nơi khác đến làm việc trong khu vực phi chính thức hơn 8.400 người. Hầu như các LĐNPCT không có việc làm ổn định nên không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, không có điều kiện và sự hiểu biết để tham gia các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giới thiệu việc làm hoặc vay vốn sản xuất kinh doanh, chịu nhiều hình thức bất bình đẳng giới trong việc làm, tuyển dụng và là nạn nhân của nạn bạo hành và xâm hại tình dục. LĐNPCT cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn trước tình hình dịch bệnh COVID-19 như mất việc làm, không có thu nhập, trong khi hàng tháng vẫn phải chi trả tiền sinh hoạt, thuê nhà trọ nên việc vận động họ tham gia sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Nhóm nghiên cứu Khoa Xã hội học và Công tác xã hội của Trường Đại học Đà Lạt đã thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của LĐNPCT trên địa bàn thành phố Đà Lạt”. Qua đó, đã đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của LĐNPCT như: giải pháp duy trì và phát triển các mô hình hỗ trợ LĐNPCT tại thành phố Đà Lạt tiếp cận các dịch vụ xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho LĐNPCT tại thành phố Đà Lạt; giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội của LĐNPCT tại thành phố Đà Lạt... Trong đó, đề xuất ba mô hình hỗ trợ gồm: mô hình tư vấn pháp luật; mô hình hỗ trợ tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc; mô hình hỗ trợ tâm lý xã hội. “Để các mô hình hỗ trợ LĐNPCT được hiệu quả thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp như chính sách, đội ngũ nhân sự để điều hành, nguồn tài chính để triển khai hoạt động. Bên cạnh đó, cần phải có sự tham gia phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, quỹ tài trợ, nhóm thiện nguyện... để duy trì và phát triển mô hình hỗ trợ LĐNPCT”, Thạc sĩ Vũ Mộng Đóa - Chủ nhiệm đề tài cho biết.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Lạt đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ đối tượng LĐNPCT. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội LHPN Đà Lạt đã thành lập 9 mô hình “Phụ nữ tạm cư tham gia sinh hoạt Hội” tại 9 phường với trên 500 phụ nữ tham gia. Chị Phan Thị Xuân Thảo - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Lạt cho hay: “Mỗi mô hình đều có Ban Chủ nhiệm, Hội đã sử dụng group Zalo kết nối Ban Chủ nhiệm các nhóm để cung cấp những thông tin mới của Hội đến phụ nữ, đặc biệt là đối với LĐNPCT vì họ không có thời gian rảnh rỗi nhiều để tham gia trong các buổi họp, hội thảo, hội nghị... tổ chức tại phường, xã. Tương tự, Ban Chủ nhiệm mỗi nhóm sẽ lập group Zalo kết nối phụ nữ tại địa phương để tiếp tục chuyển tải những nội dung thông tin từ Hội LHPN thành phố. Các nội dung thông tin gồm chính sách của Đảng và Nhà nước, dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ y tế, dịch vụ lao động - việc làm, dịch vụ nhà ở, dịch vụ nước sạch... Đồng thời, Hội cũng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như Bảo hiểm xã hội, Công an tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để truyền thông các vấn đề xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản dành cho phụ nữ. Các thành viên trong nhóm của các mô hình có thể tương tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nêu các khó khăn, thắc mắc để được hỗ trợ, tư vấn”.
Phần lớn LĐNPCT được cung cấp dịch vụ xã hội bởi Hội LHPN, chủ yếu liên quan đến hỗ trợ về kinh tế, dạy nghề, phòng, chống bạo lực gia đình... thông qua các tổ. Bên cạnh đó, Hội cũng lồng ghép các hoạt động như phổ biến chính sách, vận động chị em không vi phạm pháp luật. Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng: “Hội LHPN tỉnh rất chú trọng đến việc hỗ trợ phụ nữ trong toàn tỉnh. Tại Lâm Đồng, có nhiều lao động thời vụ, trong đó có số lượng lớn phụ nữ, Hội thường xuyên nắm bắt số lượng và có những hỗ trợ nhất định. Trong đó, các chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực gia đình... được Hội thường xuyên triển khai cho nhóm LĐNPCT. Đồng thời, hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng này cũng được chú trọng, Hội đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt để dạy nghề cho đối tượng LĐNPCT như năm 2019, tổ chức các lớp nghề quản trị buồng phòng cho 20 chị em học trong 3 tháng, học xong các chị đều có việc làm... Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề hỗ trợ dạy kết cườm, đan lát... cho LĐNPCT”.
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin