Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện các chính sách về di dân, tái định cư góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và cải thiện đời sống của người dân. Qua đó, tăng cường đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tình trạng di cư tự do.
|
Đời sống của người dân từng bước được cải thiện góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương |
Công tác di dân, tái định cư luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách về di dân, tái định cư. Sau khi có Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 322/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Quy hoạch gồm 29 dự án bố trí ổn định cho hơn 4.100 hộ dân với tổng vốn đầu tư dự kiến 706,133 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2013 - 2020 đã triển khai thực hiện 4 dự án bố trí ổn định tại chỗ cho 2.858 hộ, trong đó, 1 dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Cát Tiên, 1 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai tại huyện Lạc Dương, 2 dự án bố trí dân di cư tự do tại huyện Di Linh và Lâm Hà. Các dự án bố trí dân cư đã hình thành được các khu dân cư mới theo tiêu chí phát triển bền vững, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, góp phần giữ và bảo vệ hàng trăm ngàn ha rừng phòng hộ đầu nguồn, ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Cùng với đó, các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học… được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giúp trẻ em trong vùng dự án đến tuổi đi học được đến lớp. Việc bố trí sắp xếp ổn định dân cư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa phương.
Từ nguồn vốn Nông thôn mới của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân khó khăn vùng dự án bố trí dân cư, trong thời gian qua đã thực hiện hỗ trợ 3 mô hình trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 1 mô hình hỗ trợ giống bò sinh sản tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông), 1 mô hình hỗ trợ cây giống sầu riêng tại xã Hòa Bắc, Hòa Nam (huyện Di Linh), 1 mô hình hỗ trợ cây giống mắc ca tại xã Liên Hà (huyện Lâm Hà).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác di dân và tái định cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, các dự án còn chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả của chính sách ổn định và nâng cao đời sống của người dân như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường… do thiếu kinh phí thực hiện. Một số địa phương chưa tạo được quỹ đất bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để giao cho các hộ dân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, đặc biệt, định mức hỗ trợ di chuyển cho các hộ vùng đặc biệt khó khăn và vùng thiên tai với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ là thấp so với nhu cầu thực tế hiện nay. Nguồn vốn phân bổ cho các dự án chưa đủ và chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Cơ sở hạ tầng của các dự án chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân hưởng lợi trong vùng dự án, nhất là việc các hộ chưa được hưởng các chính sách về đất ở, nước sinh hoạt nông thôn…
Theo Sở NN&PTTN, để thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư trong thời gian tới, cần điều chỉnh bổ sung tăng kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với đồng bào các dân tộc tái định cư ở các công trình thủy điện trong các quyết định phê duyệt các công trình, dự án; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề trong vùng tái định cư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề… Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các hộ tái định cư tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp hoặc vay với lãi suất ưu đãi, ưu tiên cấp vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, với các dự án có khả năng thu hút lao động từ các khu tái định cư. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bổ sung quy định về xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường trong các dự án tái định cư; xem các khu tái định cư là địa bàn ưu tiên trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới để lồng ghép, vận dụng các nguồn lực thực hiện. Cùng với đó, xây dựng quỹ hỗ trợ người dân sau di dân và tái định cư để hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người dân vùng tái định cư và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao cho cộng đồng quản lý trong vùng tái định cư…
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin