Tiếp tục chú trọng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07:06, 22/06/2022
Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những vấn đề trọng tâm được tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện suốt thời gian qua. Sự đổi thay trong vùng đồng bào DTTS là điều có thể thấy rõ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chung của xã hội, vẫn còn nhiều vấn đề trong phát triển vùng đồng bào DTTS được đặt ra, đòi hỏi Lâm Đồng cần tập trung thực hiện.
 
Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để phát triển vùng đồng bào DTTS
Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để phát triển vùng đồng bào DTTS
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, sau nhiều nỗ lực của địa phương và nỗ lực của chính bà con, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm nhanh, đến cuối năm 2021 còn 6.739 hộ (theo tiêu chí mới), chiếm tỉ lệ 8,55%; có 73/77 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Hơn 1.400 hộ dân di cư tự do được bố trí, sắp xếp ổn định với tổng nguồn vốn 515 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho các hộ dân được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú để hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hạ tầng đường giao thông, kiên cố hóa trường lớp học, công trình y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng vùng DTTS được triển khai đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng DTTS (giai đoạn 2016 - 2020); trên 12 ngàn hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi từ chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 311.000 ha… Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng DTTS được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.
 
Mặc dù đã có những chuyển biến rất lớn, song hiện nay, kinh tế - xã hội vùng DTTS vẫn phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn thấp. Công tác quy hoạch thực hiện dự án sắp xếp dân di cư tự do tại huyện Đam Rông chưa hiệu quả. Quy mô và trình độ sản xuất còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người còn khoảng cách lớn so với bình quân chung của tỉnh (bằng 61,2%); tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống chưa nhiều, người dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng DTTS chậm loại bỏ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp; hoạt động tôn giáo trái phép một số nơi còn diễn ra; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, sang nhượng đất đai trái phép xảy ra nhiều nơi; mê tín dị đoan, tín dụng đen… còn phức tạp.
 
Những vấn đề còn tồn tại đòi hỏi Lâm Đồng phải có thêm nhiều quyết sách mới, hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển hơn nữa vùng đồng bào DTTS. Việc Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030 là “kim chỉ nam” cho các quyết sách về vấn đề này. 
 
Theo đó, mục tiêu Nghị quyết đề ra là: Khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương trong vùng DTTS; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng DTTS so với bình quân chung của tỉnh; không còn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, giảm 60% số thôn đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. 
 
Trên cơ sở mục tiêu chung, những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cũng đã được xác định. Trong đó hai mục tiêu hàng đầu là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS đạt từ 84 - 87 triệu đồng (bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh) và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm.
 
Để đạt được mục tiêu đề ra cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Riêng đối với Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi thiết yếu; nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời là việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS. Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn , phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em…
 
Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, thu hút từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; nguồn vốn vay tín dụng và đặc biệt là từ nguồn nội lực của Nhân dân là cơ sở quan trọng để Lâm Đồng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS.
 
NGỌC NGÀ