Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng

06:06, 24/06/2022
Vinh dự và trách nhiệm được đứng chân trên địa bàn Đà Lạt, từ nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử, Bộ KH-CN) đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng.
 
Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân nhằm ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử phục vụ sự phát triển
Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân nhằm ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử phục vụ sự phát triển
 
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò phản ứng hạt nhân duy nhất tại Việt Nam hiện nay, được quản lý, vận hành và khai thác bởi Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN). Sau 38 năm hoạt động, lò phản ứng đã hoạt động với tổng cộng 58.000 giờ, trung bình hoạt động 1.500 giờ/năm, riêng từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 2.800 giờ/năm, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả phục vụ sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ, phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron, nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng… Qua quá trình hoạt động lò phản ứng, đội ngũ các nhà khoa học đã nghiên cứu và điều chế thành công 30 chủng loại đồng vị và dược chất phóng xạ (trong đó 7 loại sản phẩm dược chất phóng xạ của Viện NCHN đã được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam) dùng cho y tế cùng các ngành kinh tế, kỹ thuật khác. Viện NCHN đã cung cấp khoảng 11.500 Ci đồng vị phóng xạ cho 25 khoa y học hạt nhân trong cả nước phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư; xây dựng và hoàn thiện trên 20 kỹ thuật phân tích khác nhau cho phép xác định một phạm vi rộng khoảng 70 chỉ tiêu nguyên tố, hợp phần, thành phần khác nhau của mẫu vật trong công nghiệp, nông nghiệp, địa chất, môi trường, lương thực, thực phẩm. Mỗi năm cung cấp cho các ngành trên 40 ngàn chỉ tiêu phân tích, trong đó đánh giá và xác nhận dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả trên địa bàn Lâm Đồng trước khi xuất khẩu là một hoạt động thường xuyên. 
 
Đứng chân trên địa bàn Đà Lạt, từ nhiều năm qua, Viện NCHN đã có nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Viện đã nghiên cứu, chế tạo các chế phẩm từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường phục vụ nông nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường; sử dụng bức xạ gamma gây kích ứng đột biến kết hợp công nghệ sinh học nuôi cấy mô tế bào tạo ra nhiều giống cây trồng mới, cho năng suất, chất lượng; phát triển thành công các phương pháp định liều lượng và kiểm soát an toàn bức xạ, đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, Viện đã cung ứng đồng vị phóng xạ cho Khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho khoảng 35.000 bệnh nhân/năm (5.000 bệnh nhân nội trú, 30.000 bệnh nhân ngoại trú); đánh giá tốc độ bồi lấp các công trình hồ thủy điện, thủy lợi trong tỉnh và đề xuất giải pháp giảm thiểu bồi lắng, tăng tuổi thọ của công trình thủy lợi; xác định tốc độ xói mòn trên quy mô lưu vực rộng ở vùng Tây Nguyên bằng kỹ thuật đồng vị môi trường, tìm ra nguyên nhân chính gây xói mòn, rửa trôi đất của một số loại hình canh tác đất dốc. Chuyển giao các quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu; bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm, nhân nhanh các giống hoa và cây cảnh cung cấp cho nông dân; sản xuất các loại giá thể tổng hợp phục vụ trồng hoa, cây cảnh; sản xuất phân bón sinh hóa hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp; chế tạo vật liệu polyme giữ nước để bón cho cây trồng vùng khô hạn; chế tạo các chế phẩm kích thích tăng trưởng, phòng trừ nấm bệnh thực vật, xử lý nước thải. 
 
Viện đã tiến hành đánh giá chất lượng nước, đất, không khí và giám sát phông phóng xạ trên địa bàn tỉnh; đánh giá chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại một số vùng dân cư trọng điểm và xây dựng các mô hình xử lý. Kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong nông nghiệp, thực phẩm phục vụ chương trình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu rau an toàn; cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Thực hiện đo, quản lý an toàn bức xạ, kiểm định chất lượng các máy X-quang; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kiểm soát an toàn bức xạ ở các cơ sở y tế có sử dụng thiết bị X-quang trong tỉnh; tham gia diễn tập, phổ biến kỹ năng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng, các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy trình công nghệ và hệ thống xử lý thải lỏng cho các nhà máy sản xuất rau, quả, thực phẩm…
 
Thực hiện Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2030 (trong công nghiệp, nông nghiệp, địa chất và môi trường) của Chính phủ, với mong muốn đóng góp hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng, trong thời gian tới, Viện NCHN đã đề ra những giải pháp tích cực, phù hợp để có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả như: Kịp thời nắm bắt những yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh; mở rộng hợp tác với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong tỉnh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đóng góp hữu hiệu và chất lượng hơn vào chương trình khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh theo các chủ đề đang được quan tâm như: Ứng dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo giống cây trồng mới (giống cây ăn quả và hoa); ứng dụng tỷ số đồng vị bền trong nghiên cứu xói mòn và suy thoái đất canh tác nhằm nhận diện sớm các vùng đất có nguy cơ suy thoái; nghiên cứu chế độ tưới tối ưu với từng loại cây trồng nhằm duy trì năng suất trong điều kiện khô hạn; nghiên cứu quá trình biến đổi khí hậu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; nghiên cứu truy xuất nguồn gốc động vật và thực vật… Qua đó, đáp ứng các yêu cầu lớn và tổng thể đang đặt ra của địa phương.
 
QUỲNH UYỂN