Để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp trước tình hình “bão giá” phân bón, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đang định hướng, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ.
|
Các phụ phẩm nông nghiệp sẽ được Công ty Mai Khôi Farm xử lý thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh để tái sử dụng cho các vụ mùa sau |
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học đang có giá đắt đỏ hơn bao giờ hết khi liên tiếp phá vỡ các kỷ lục giá trước đó. Với giá phân bón dao động, nhảy múa như giá vàng không chỉ làm nông dân lo lắng, mà ngay cả các công ty, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp lớn trong tỉnh cũng đang cảm thấy bất an, bởi không khéo sẽ "vỡ trận" và phá sản khi thị trường thế giới đảo chiều. Để thích ứng với sự biến động của thị trường, nông dân và doanh nghiệp đã áp dụng linh hoạt các giải pháp kỹ thuật trong canh tác nhằm giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận trước khi chờ các chính sách, chương trình bình ổn.
Anh Đỗ Quốc Tuấn, thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên hiện đang có gần 5 ha sầu riêng đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Mặc dù, vườn sầu riêng của anh đang cho thu nhập với giá trị kinh tế cao, nhưng đây cũng là giai đoạn cây sầu riêng cần được đầu tư mạnh tay về phân bón, thuốc BVTV để cây duy trì sinh trưởng tốt. Với giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang ở mức rất cao như hiện nay, anh Tuấn cũng rất e dè.
Anh Tuấn cho biết: Thời điểm trước năm 2021, trung bình mỗi năm gia đình anh chi từ 150 - 200 triệu đồng đầu tư các loại phân bón, thuốc BVTV. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 6/2021 đến nay, con số này đã tăng lên gần gấp đôi. Để thích ứng, gia đình anh đã chủ động chuyển đổi dần sang hướng sản xuất hữu cơ, bỏ công tự làm phân bón, thuốc sinh học để hạ chi phí đầu vào. Ngoài ra, anh còn chọn cải tạo đất vườn bằng cách đến các trại chăn nuôi đặt mua phân bò, tận dụng nguồn mùn tự nhiên từ cỏ mục. Nhờ đó, loại cây trồng khó chăm, khó chiều như sầu riêng của gia đình vẫn tương đối phát triển rất tốt, cây sinh trưởng khỏe và ít xuất hiện nấm, bệnh.
Theo anh Tuấn, vài năm trước, anh cũng đã được tuyên truyền nhiều về lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhưng anh chưa thực sự quan tâm nhiều. Bởi, việc đầu tư làm vườn theo hướng hữu cơ có thể thời gian đầu chi phí cao, tốn công lao động hơn, nhất là hiệu quả không tức thời như phân, thuốc hóa học. Nhưng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, nhiều nông dân sẽ ngày càng quan tâm chuyển đổi sang sản xuất sạch, tự làm phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để vừa giảm bớt chi phí sản xuất lại vừa có lợi ích lâu dài.
Ghi nhận tại huyện Cát Tiên, địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh, việc dùng các loại phân bón như NPK, Urê là tất yếu để bón phân cho cả vụ lúa. Tuy nhiên, thời điểm này, giá phân bón tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước khiến người trồng lúa gần như không có lãi. Do đó, giải pháp được nhiều hộ dân lựa chọn là tăng cường bổ sung thêm các loại bón hữu cơ, như: phân chuồng hoai mục, phân xanh cho cây trồng trong các đợt bón lót, bón thúc cho cây lúa.
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Ngoài việc tăng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ trong quá trình trồng, chăm sóc, chính quyền địa phương còn khuyến khích bà con nông dân tích cực ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm lượng phân bón trên đồng ruộng, như: quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; “3 giảm - 3 tăng”. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên vừa tổ chức hội thảo đầu bờ, giới thiệu mô hình sản xuất lúa hữu cơ ST25 tại xã Quảng Ngãi.
Theo một số hộ nông dân thực hiện mô hình, dù năng suất lúa hữu cơ đạt thấp hơn so với trồng theo quy trình truyền thống. Tuy nhiên, lúa sau khi thu hoạch được thu mua với giá cao, trong khi giá chung hiện nay tại địa bàn chỉ ở mức từ 6.500 - 6.700 đồng/kg. Hơn nữa, sản xuất theo mô hình hữu cơ đảm bảo an toàn cho người sử dụng và người trồng nên bà con nông dân rất phấn khởi, mong muốn được canh tác lâu dài và ổn định theo phương pháp hữu cơ. Đây cũng sẽ là hướng đi được huyện Cát Tiên chú trọng trong việc sản xuất lúa trong thời gian đến tại địa phương.
Trong khi đó, tại Công ty Mai Khôi Farm, đóng chân tại xã Lát, huyện Lạc Dương, hiện đơn vị cũng đã có sự điều chỉnh về kế hoạch, quy trình sản xuất để thích nghi khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Anh Nguyễn Văn Minh Tú - Giám đốc Công ty cho biết: Đối với các công ty sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, việc cắt giảm nguồn phân bón, thuốc BVTV là điều không khả thi. Bởi, điều này đồng nghĩa đánh đổi chất lượng sản phẩm. Do đó, công ty tăng cường việc xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh để tái sử dụng cho các vụ mùa sau. Ngoài ra, công ty cũng khuyến cáo người dân nên tham gia các tổ hợp tác, hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để mua phân bón với khối lượng lớn để có giá tốt hơn so với mua lẻ qua đại lý…
HOÀNG SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin