Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân địa phương, bằng nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp, thiết thực, xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo hằng năm. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng phát triển.
|
Nhờ trồng dâu nuôi tằm, hằng tháng, chị K’Glang đã có thu nhập ổn định |
Xã Đạ Tông hiện có 8 thôn với tổng số dân là 1.718 hộ, 9.522 khẩu; trong đó có trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm 15,08%.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã Đạ Tông đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập để cải thiện đời sống Nhân dân.
Theo đó, hằng năm, xã đều tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Cùng với đó, xây dựng và ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các đoàn thể tại thôn tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo để từ đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông khẳng định, địa phương đã tăng cường tuyên truyền và làm tốt công tác giảm nghèo như xây dựng Quỹ Vì người nghèo nhằm hỗ trợ xây nhà cho những hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo tham gia Bảo hiểm y tế; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, khuyến khích bà con phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Từ câu chuyện thoát nghèo thành công nhờ trồng dâu, nuôi tằm của bà con địa phương và các xã lân cận trên địa bàn huyện Đam Rông, kinh tế của các hộ dân xã Đạ Tông cũng đã có nhiều khởi sắc. Với sự định hướng của lãnh đạo huyện và nỗ lực triển khai chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cây dâu, con tằm dần chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn xã.
Cũng như nhiều gia đình khác tại thôn N’tôl, gia đình chị Long Ding K’Glang trước đây chủ yếu sống nhờ vào ít sào cà phê. Thế nhưng, thời gian về sau, giá cà phê bấp bênh, năng suất không cao khiến gia đình không thể thoát nghèo. Sau khi được cán bộ xã về hướng dẫn, hỗ trợ trồng dâu, nuôi tằm, đầu năm 2018, gia đình chị K'Glang mạnh dạn phá bỏ 3 sào cà phê để chuyển qua trồng dâu, nuôi tằm.
Chị K’Glang chia sẻ: “Ban đầu, nhiều hộ đồng bào trong thôn ngại nuôi vì không biết cách trồng dâu và sợ con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn, thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên gia đình chuyển sang. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều nhưng đòi hỏi phải biết kĩ thuật chăm sóc. Để tằm phát triển tốt, gia đình cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt. Việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn. Nuôi tằm quan trọng là mình phải chịu học hỏi, nắm bắt được kĩ thuật. Khi hái dâu thì phải để dâu khô, sạch mới cho tằm ăn. Dâu cũng không được phun thuốc, bị bệnh thì chặt bỏ, để lên lứa mới khỏe mạnh. Trung bình 1 sào dâu nuôi được 1 hộp tằm giống cho khoảng gần 50 kg kén, một năm có khoảng 10 lứa tằm. Đối với diện tích của gia đình tôi, trung bình cứ 15 ngày tôi thu một đợt khoảng 20 kg kén với giá hiện tại dao động từ 180.000 - 200.000 ngàn đồng/kg. Cũng chính vì lẽ đó mà năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Để hỗ trợ bà con ổn định phát triển kinh tế, trong năm 2022, xã Đạ Tông đã giải quyết cho 134 hộ nghèo với số tiền vay hơn 4,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 294 hộ với số tiền vay hơn 10,3 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác tín dụng các chính sách hỗ trợ theo từng chương trình cho vay được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả, giúp hộ vay giải quyết được những khó khăn trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, kết quả mang lại hiệu quả tốt và đáng khích lệ. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 6,6%.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho biết thêm, bám sát các kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện Đam Rông, trong thời gian tới, xã Đạ Tông tiếp tục tập trung các nguồn lực thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở xã nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp có mức sống trung bình, tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, thực hiện công tác giảm nghèo gắn với an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ gia đình nghèo để người nghèo có việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững…
THÂN THU HIỀN