231 tỷ đồng đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NGỌC NGÀ 17:16, 10/01/2023

(LĐ online) - Ngày 10/1, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.  

Báo cáo của Ban Dân tộc cho thấy, năm 2022, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh là 231 tỷ đồng. Nguồn vốn này được sử dụng đầu tư cho 10 tiểu dự án. Trong đó, tập trung cho các hạng mục giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

Các nguồn vốn đầu tư được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, qua đó tạo sự đổi thay mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn 5,65%, giảm 3% so với năm trước. Riêng hộ cận nghèo giảm còn 8,57%. 

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình hoạt động công tác dân tộc năm 2022, đặc biệt là những khó khăn cần giải quyết khi các huyện, thành phố đã sáp nhập các phòng dân tộc. Đồng thời, các vấn đề đặt ra về những bất cập cần giải quyết liên quan đến cấp đất sản xuất, việc giải ngân nguồn vốn một số hàng mục đầu tư… cũng đã được thảo luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2023. Trong đó, tập trung đưa ra các giải pháp để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh như: Chỉ đạo điều hành, ban hành và triển khai cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; đẩy mạnh, đảm bảo hiệu quả cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện các chương trình; bố trí, huy động, phân bổ, sử dụng, lồng ghép nguồn lực; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai hoạt động, giải ngân, thanh quyết toán các dự án, hoạt động thuộc Chương trình; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ các cấp, cộng đồng, người dân…