Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Lạt và các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giảm so với cùng kỳ, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.
Đội Quản lý thị trường kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn TP Đà Lạt |
Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Lạt đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo mỗi lĩnh vực có cơ quan đầu mối phụ trách và tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị.
Riêng trong năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả hàng hóa với tổng cộng 1.400 lượt, qua đó phát hiện 807 vụ vi phạm và đã đề xuất phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế với tổng số tiền là 2,363 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Phòng Y tế Đà Lạt, Đội Cảnh sát Kinh tế Đà Lạt, UBND các phường, xã, Ban Quản lý chợ Đà Lạt, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt thực hiện kiểm tra, giám sát việc kinh doanh tại chợ Đà Lạt, chợ đêm Đà Lạt, giết mổ gia cầm không đúng quy định; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra, xử lý các thông tin phản ánh của người tiêu dùng, du khách trên địa bàn, nhất là tình trạng có sử dụng tiếp thị không lành mạnh (cò).
Mặt khác, trong năm 2022, Phòng Y tế Đà Lạt phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tổ chức kiểm tra 167 cơ sở, phát hiện và lập biên bản đề xuất với UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 45 cơ sở với tổng số tiền hơn 647,7 triệu đồng.
Đồng thời, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã tiến hành kiểm tra 400 lượt, phát hiện vi phạm 396 vụ, phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 681,7 triệu đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là về đầu cơ găm hàng và giá với 317 vụ, vi phạm trong kinh doanh 4 vụ, vi phạm về an toàn thực phẩm 42 vụ, vi phạm khác 33 vụ. Bên cạnh đó, triển khai tháng hành động an toàn thực phẩm, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tuyên truyền, khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn không kinh doanh hàng hoá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, lập cam kết không kinh doanh hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm với các đối tượng nêu trên.
Đặc biệt, trong năm 2022, trước những biến động về giá xăng, dầu khiến hoạt động kinh doanh của nhiều đơn vị gặp khó, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt đã tăng cường công tác giám sát, yêu cầu 26 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn quản lý ký cam kết mở cửa bán hàng bình thường, không được găm hàng nhằm trục lợi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tiến hành dán số điện thoại đường dây nóng tại tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn quản lý để theo dõi, giám sát. Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương còn phát hiện 511 trường hợp chuyển nhượng bất động sản nghi vấn khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch nhằm gian lận thuế, qua đó xử lý truy thu và xử phạt về thuế, nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 6,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đánh giá, nhìn chung, sự phối hợp trong công tác chống buôn lậu, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn thành phố được các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện và đã mang lại hiệu quả cao. Công tác bình ổn giá cả thị trường được thực hiện khá tốt, thị trường các ngày cao điểm Tết Nguyên đán, các dịp lễ tuy có tăng so với ngày thường nhưng không có việc tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, hoạt động chống thất thu thuế, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được đẩy mạnh, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, truy thu thuế hàng tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Lạt sẽ tập trung thực hiện công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và mặt hàng rượu sản xuất thủ công trên địa bàn, nhất là trong thời gian trước, trong và sau các ngày lễ lớn trong năm 2023. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, các điểm du lịch nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho du khách; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có biểu hiện thu giá vượt theo đăng ký giá, trốn thuế…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin