Khi phượng tím như cây đặc hữu Đà Lạt

VĂN VIỆT 06:14, 13/04/2023

Từ cây phượng tím đầu tiên di thực từ Pháp về 61 năm trước, bén rễ sinh trưởng thích nghi với môi trường, khí hậu trên độ cao 1.500 m so với mặt biển và được các cơ quan khoa học, đơn vị chuyên ngành công viên cây xanh nhân giống vô tính thành công để rồi nay hiện diện trên nhiều tuyến phố nội ô, ven đô như một loài cây đặc hữu của thành phố hoa Đà Lạt.

Cây phượng tím thu hút du khách check in tại công viên bên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt
Cây phượng tím thu hút du khách check in tại công viên bên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt

Từ cuối mùa đông năm 2022 đến hết mùa xuân năm 2023, phượng tím Đà Lạt nối tiếp đua nở và giăng mắc một góc trời sắc màu dìu dịu, tô điểm thêm bức tranh lam tím đặc trưng của thành phố bốn mùa hoa. Như gần nửa đầu tháng 4/2023, mỗi ngày ra phố Đà Lạt là mỗi ngày sánh bước bên từng gốc phượng nhiều lứa tuổi hoa tím từ trên cành cao trải từng lớp rơi rơi trên thềm vỉa hè. Này đây đường Nguyễn Văn Cừ nối dài hai hàng phượng tím trồng từ hơn mười năm trước, nay đã bung hoa phần lớn trên cành. Đây là cung đường hoa tím “chuyên đề” tạo điểm nhấn bên cạnh công viên phối cảnh đa dạng các loại cây, hoa xứ lạnh Đà Lạt. Bên dưới tán cây hoa phượng tím trải rộng khu vườn hoa quanh năm thay đổi sắc màu qua từng lứa cây trồng mới. Phóng viên đếm được mỗi bên lề đường phố Nguyễn Văn Cừ nối dài ở đây hơn 40 cây phượng tím đang cho hoa, mật độ sinh trưởng cây cách cây khoảng 4 m, mỗi gốc cây đều được xây bồn bê tông bảo vệ, nên khá thuận lợi cho khách ngồi nghỉ chân ngắm hoa tím thân mộc trên cao khoảng 10 m trở lại, ngắm hoa thân thảo đổi màu theo mùa dưới mặt đất và tận tay nhặt từng cánh hoa rơi trong ngày để cảm nhận, lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ cho một chuyến đi. 

Ở công viên bên đường phố Trần Hưng Đạo có 1 trong hơn 10 cây phượng tím “lôi kéo” khá nhiều khách du lịch và khách địa phương check in mỗi ngày. 

Phóng viên quan sát cây phượng tím chiều cao hơn 8 m, tán bung hoa đường kính khoảng 7 m. Check in phía trước cây phượng tím cao lớn nhất khu vực này và hậu cảnh gần 10 cây phượng tím thấp nhỏ hơn - bỗng chốc trở thành một góc hình “đắt giá” của một bộ phận khách ngoạn cảnh tháng 4/2023. Một nữ du khách trẻ đến từ Tây Ninh bày tỏ với phóng viên tại “hiện trường”: “Hẹn lên được mùa phượng tím Đà Lạt năm nay thực sự với những trải nghiệm thú vị. Được ngắm trực tiếp từng đóa hoa phượng tím mang hình quả chuông nho nhỏ, rung rinh giữa bầu trời mát lành dễ chịu. Quang cảnh xung quanh hàng cây phượng tím hài hòa trong từng khu vực nuôi dưỡng các loài hoa khác khoe sắc. Khoảng giữa công viên còn bố trí nhà nghỉ chân cho du khách ngắm hoa. Cảm nhận lên Đà Lạt với phượng tím tháng tư được thêm những ngày du lịch không muốn về...”.

Đến các điểm du lịch trong 3 tháng mùa xuân vừa qua, du khách khó rời chân sớm khi dừng lại bên cây phượng tím từ lúc hoa nở lác đác giữa những phiến lá đến lúc hoa nở rộ trên khắp thân cành. Như trước cánh cổng vào Khu du lịch thác Cam Ly, cây phượng tím bước vào thời điểm gần giữa tháng 4/2023 phủ lớp lớp những đóa hoa chuông khép tán trên cành. Check in nơi đây được hòa mình bên ngọn thác chảy dạt dào, nghe rừng thông vi vu trong gió...

Đối diện chênh chếch với thác Cam Ly có chiếc cầu hình bán nguyệt bắc qua dòng suối in bóng hoa phượng tím sớm chiều, cũng trở thành điểm check in đưa vào các tuyến tranh thủ tham quan của du khách...

Khi phượng tím. Đặc biệt dễ thấy các cây phượng tím bên thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương mới bung nở những đóa hoa đầu tiên đã khiến du khách dùng dằng bước chân những ngày tham quan Đà Lạt...

Trở về các khu dân cư, khuôn viên công sở, cơ sở tôn giáo, trường học, khu thương mại..., phượng tím vào mùa hoa còn nhắc nhớ cộng đồng về tôn tạo môi trường cảnh quan, góp tay chăm sóc, bảo vệ như một loài cây đặc hữu của thành phố bốn mùa hoa Đà Lạt. 

Qua tìm hiểu, cây phượng tím được các tài liệu quốc tế xác định tên khoa học Jacaranda mimosifolia có nguồn gốc từ các khu vực vùng Nam Mỹ, sau đó du nhập đến các nước Nepal, Ấn Độ, Úc, châu Âu... Tại thành phố Đà Lạt, phượng tím bám rễ đầu tiên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai do ông Lương Văn Sáu, kỹ sư canh nông tốt nghiệp tại Pháp đưa về trồng từ năm 1962. Sau đó bằng kỹ thuật chiết cành và giâm cành, ông Sáu đã nhân giống trồng thêm 2 cây lần lượt phía trước cây cầu vào nhà hàng Thủy Tạ và trong khuôn viên Vườn hoa Bích Câu, thuộc Vườn hoa Đà Lạt... 

Đến nay, do tác động từ các yếu tố khác nhau, thành phố Đà Lạt chỉ còn duy nhất cây phượng tím 61 năm tuổi tọa lạc giữa khu vực chợ đêm, nên rất cần được chăm sóc sinh trưởng đặc biệt và bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Bởi từ “đỉnh sinh trưởng” của cây phượng tím giống gốc này, các đơn vị khoa học mới nhân bản trồng những cây phượng tím thế hệ mới lưu luyến khách du lịch bốn phương ngay từ lúc đặt chân vào cửa ngõ thiên đường xứ lạnh cao nguyên Đà Lạt...