Ngày 24/5 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Theo đó, việc tập trung giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030. Đồng thời, bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân.
Chủ tạp hóa trên đường Bạch Đằng (Phường 7, Đà Lạt) yêu cầu khách hàng không hút thuốc trong quán để bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy |
Chiến lược xác định mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế. Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của WHO. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn; nghiên cứu biện pháp xử phạt phù hợp đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm.
Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet. Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các chương trình y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng và hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế trong toàn quốc; phát triển dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện; nghiên cứu đề xuất việc chi trả cho các hoạt động điều trị, tư vấn cai nghiện thuốc lá từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp bảo vệ môi trường, sức khỏe của người liên quan đến lĩnh vực trồng, sản xuất thuốc lá; xây dựng lộ trình, kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất thuốc lá ra xa khu dân cư theo quy hoạch. Thể chế hóa quy định về trách nhiệm thực thi Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, bảo đảm không có sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quá trình xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá và xử lý vi phạm đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật có liên quan để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ban hành nghị quyết, kế hoạch phù hợp với từng thời kỳ để thực hiện Chiến lược này.
Bên cạnh đó, Chiến lược còn xác định các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá; kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá; hợp tác quốc tế...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin