Ở vùng ngoại ô Xuân Trường, để có mảng rừng xanh, những con đường thôn, xóm phủ đầy bóng mát, không chỉ có sự nỗ lực của chính quyền địa phương mà còn có sự chung tay, ra sức trồng, chăm sóc và bảo vệ của người dân.
Nhiều cây xanh được trồng nhờ sự đồng lòng giữa chính quyền địa phương và người dân |
Đi dọc các tuyến đường Khu quy hoạch thôn Trường Xuân 2, phủ bóng các ngả đường, thôn, xóm là hàng cây mai anh đào, phượng tím. Ông Tăng Bá Hánh - Trưởng thôn Trường Xuân 2 cho biết, khoảng 2 năm trước, ở đây có khoảng hơn 2.000 cây mai anh đào được người dân của thôn trồng. Để cây phát triển khỏe mạnh, đều đặn hàng tuần, hàng tháng và những ngày Chủ nhật xanh, các đoàn thể, chi hội cùng các hộ dân ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, chăm sóc cho những cây đã được phân công.
Thôn Trường Xuân 2 có khoảng 280 hộ, theo ông Hánh, với mong muốn tạo thêm cảnh quan cho vùng nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp cũng như thêm màu xanh cho rừng, từ 2 năm trở lại đây, phong trào trồng mai anh đào, trồng rừng của bà con trở nên sôi nổi.
Là địa phương có diện tích rừng, đất rừng rộng trải dài, do đó, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xã Xuân Trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cây phân tán. Theo ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, những năm trở lại đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đi vào nền nếp, mật độ che phủ rừng được đảm bảo.
Để có những kết quả đó, ông Bình cho biết, công tác này được triển khai đồng bộ từ cấp ủy đảng, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị tại cơ sở đến người dân. Theo đó, hằng năm, UBND xã đều xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân tham gia trồng và bảo vệ rừng...
Cùng với sự hưởng ứng đồng loạt của các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã, mỗi hộ dân tại 8 thôn của Xuân Trường cũng tích cực tham gia trồng, chăm sóc từ 2 đến 5 cây xanh tại khuôn viên nhà, ven các tuyến đường liên thôn, liên xã. Địa phương cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, hộ gia đình xây dựng tổ, hội gây dựng nguồn quỹ trồng, chăm sóc cây; thường xuyên ra quân dọn cỏ, chăm sóc cây phân tán dọc Quốc lộ 20, Khu quy hoạch Trường Xuân 2 và cây trồng ranh phân định nông, lâm tại Tiểu khu 165A. Với các hộ dân có diện tích đất sản xuất giáp ranh với đất lâm nghiệp, xã vận động người dân trồng cây xanh, ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Để thêm mảng xanh cho rừng, xã Xuân Trường còn duy trì và triển khai tốt việc kêu gọi xã hội hóa, phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, tham gia trồng cây. Ông Bình cho biết, trong năm 2022, địa phương đã vận động người dân và kêu gọi một số tổ chức xã hội như Wlin Elite, Wlin La Vie En rose, JCI Đà Lạt và Quỹ Gieo mầm tương lai, ra quân trồng mai anh đào làm ranh phân định nông, lâm, cây đa mục đích trên đất nông nghiệp chưa được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, xã Xuân Trường đã tổ chức trồng thông trên 3.000 m2 đất giải tỏa và 3.000 m2 đất rừng trống tại Tiểu khu 166, 163b. Riêng trong năm 2022, tổng số cây trồng là hơn 49.000 cây, vượt kế hoạch đề ra; trong đó, có hơn 24.600 cây mai anh đào, cây cảnh quan được trồng dọc ranh phân định và dọc các đường thôn; 3.000 cây trong khuôn viên vườn rẫy hộ gia đình; 9.600 cây thông trồng rừng tập trung; 12.000 cây đa mục đích. Năm qua, trên địa bàn không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Công tác trồng rừng, cây phân tán được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, độ che phủ của rừng tăng dần theo từng năm và đạt nhiều kết quả.
Để cây trồng được chăm sóc tốt hơn, ông Bình chia sẻ, năm nay, địa phương sẽ triển khai cho các hộ gia đình trồng thêm các loại cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao như hồng, bơ, mắc ca. Theo đó, năm 2023, địa phương dự kiến trồng hơn 47.000 cây. Để đạt được mục tiêu đề ra, xã sẽ vận động mỗi hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tổ chức trồng, chăm sóc 30 cây, với tổng số dự kiến trồng được là hơn 36.900 cây; sẽ trồng hơn 3.300 cây mai anh đào, phượng dọc các tuyến đường, khuôn viên cơ quan, trường học, hộ gia đình; trồng 7.000 cây thông trên đất trống lâm nghiệp. Riêng với các cây trồng như hồng, bơ, mắc ca, người dân cam kết bảo quản, không phá bỏ để đảm bảo ranh phân định nông, lâm nghiệp; người trồng sẽ được thu hoạch từ các cây này. “Điều này không những giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập mà còn tăng thêm trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng”, ông Bình nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin