Để chủ động công tác tích nước, đồng thời, thực hiện phương án phòng, chống lụt bão, các ngành chức năng đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch để chủ động ứng phó và chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống lụt bão.
Huyện Cát Tiên đang khẩn trương thực hiện việc tích nước cũng như gia cố an toàn đập cho hồ Đắk Lô |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569 ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa, có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã phân cấp quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi cho Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý 48 hồ, đập; cho các địa phương, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện quản lý 251 hồ, đập và 18 hồ, đập còn lại do các đơn vị khác quản lý. Việc phân cấp quản lý, vận hành được thực hiện đảm bảo đúng quy định phù hợp với năng lực đơn vị được giao, quy mô công trình hồ, đập thủy lợi.
Theo ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, để triển khai các quy định về an toàn đập, hồ chứa nước, trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở NN &PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc đảm bảo an toàn công trình hồ, đập.
Bên cạnh đó, trước mùa mưa lũ năm 2023, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ năm 2023; triển khai thực hiện chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tính hết tháng 3/2023, các cơ quan, đơn vị chức năng đã hoàn thành đăng ký an toàn đập cho 96 công trình; lập quy trình vận hành 53 công trình; kiểm định an toàn đập cho 60 công trình; lập phương án ứng phó thiên tai cho 52 công trình; lập phương án bảo vệ 22 công trình; lập bản đồ ngập lụt hạ du cho 11 công trình; lập phương án cắm mốc 55 công trình; lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp 10 công trình; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, cảnh báo an toàn hạ du cho 1 công trình; đối với các nội dung còn lại (lưu trữ hồ sơ, kiểm tra hiện trạng, hệ thống cơ sở dữ liệu) hiện vẫn được thực hiện thường xuyên. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang triển khai thi công 15 công trình thủy lợi; trong đó có 11 công trình nâng cấp sửa chữa, 4 công trình xây dựng mới.
Cũng theo ông Nguyễn Hà Lộc, qua rà soát danh mục các công trình, phần lớn các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng đã lâu, do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư nên các hạng mục của hồ, đập không được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố và qua thời gian sử dụng lâu dài nên một số công trình đã bị hư hỏng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Từ kết quả kiểm tra, rà soát từ các địa phương, đơn vị thì đến thời điểm trước mùa mưa lũ năm 2023, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 công trình có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau hiện chưa được thi công nâng cấp sửa chữa; trong đó, có 9 công trình bị hư hỏng nặng đã bố trí vốn, còn lại 57 công trình bị hư hỏng hiện chưa có kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, có 15 công trình hư hỏng xuống cấp khác hiện đang được triển khai thi công khắc phục.
Để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng và tài sản của người dân phía hạ lưu công trình, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trong đó, kinh phí để sửa chữa nâng cấp công trình bị hư hỏng xuống cấp là 440 tỷ đồng; kinh phí để nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình, thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa là 98 tỷ đồng.
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có công trình thủy lợi chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đối với các công trình đang triển khai thi công, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin