Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), công tác PCCC và CNCH đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng như tính mạng, sức khỏe của người dân, góp phần tạo môi trường an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ |
Có thể thấy rằng, thời gian gần đây, cháy, nổ, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke... trên địa bàn cả nước. Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH. Công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này; đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải có nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH và đặc biệt là đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này. Công tác PCCC và CNCH phải quán triệt quan điểm “người dân là trung tâm, là chủ thể”. Nhận thức sâu sắc điều này, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông không ngừng phổ biến, tuyên truyền thông tin đến từng người, từng nhà, từng khu vực dân cư. Ngoài ra, lực lượng PCCC chuyên nghiệp còn tổ chức diễn tập CNCH tại các khách sạn lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp, các tòa nhà cao tầng với nhiều kịch bản, tình huống khác nhau…
Phương pháp tuyên truyền thời gian qua cũng đổi mới bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các buổi tập huấn trực tiếp kiến thức, kỹ năng PCCC đối với các hộ kinh doanh, thì rất nhiều các sản phẩm tuyên truyền như clip, hình ảnh khuyến cáo, khẩu hiệu, tin nhắn… hướng dẫn người dân về kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, cảnh báo nguy cơ cháy nổ, cách thoát nạn trong đám cháy... được lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng, phát trên nhiều nền tảng số như tin nhắn SMS, zalo, facebook đã lan tỏa đến mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao được kiến thức, nhận thức của người dân về công tác này.
Qua công tác vận động, tuyên truyền, nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác PCCC được xây dựng, nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả Phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Điển hình là Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã và đang phát huy tính linh hoạt, hiệu quả trong việc phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình, với phương châm phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”; lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”.
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 152/285 Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và 84/125 điểm chữa cháy công cộng của UBND các huyện, thành phố; thành lập và kiện toàn 1.376 đội dân phòng với 12.690 thành viên; 3.967 đội PCCC cơ sở với 19.835 thành viên; 44.664 hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn. Xây dựng và củng cố 6 đội chữa cháy chuyên ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói rằng, nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, đặc biệt là xây dựng Phong trào Toàn dân PCCC và CNCH những năm qua có nhiều đổi mới, vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể đã ít nhiều tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin