Những cánh rừng xưa, nay đã lên xanh. Những nỗi đau thương thời chiến, cũng đã lùi vào quá khứ. Nhưng kỷ niệm thì mãi còn đấy, như mới hôm qua, rất gần, gần lắm!
Cựu binh Nguyễn Đức Phúc bái vọng những đồng đội đã hy sinh tại Vườn cây Nam Nhi |
Nó là những lời gan ruột của cựu binh Nguyễn Đức Phúc - cựu Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 200c, Tiểu đoàn 840 (Quân khu VI) - khi nói về những đồng đội của mình, những người đã ngã xuống tại chiến trường Đạ Huoai trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ cứu nước. Ông nhớ lại: “Năm 1972, tình hình chiến sự ngày càng diễn biến phức tạp, tôi được điều động tăng cường về Đoàn 211, thuộc Đoàn 429 của R - mật hiệu của Trung ương Cục miền Nam, trở thành Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 11, đưa quân phối hợp với Khu VI làm nhiệm vụ cắt đứt giao thông đường 20, phá trụ điện, giật sập cầu La Ngà (Đồng Nai) và cầu Đạ Quay (thuộc K4), đánh Chi khu Đạ Hu-oai (Lâm Đồng), đánh Đồn 42 (Đồng Nai), giải tán các ấp chiến lược từ cầu La Ngà đến chân đèo Bảo Lộc”.
Trong khoảng thời gian này, xảy ra một sự kiện mà đến nay cựu binh Nguyễn Đức Phúc vẫn luôn canh cánh bên mình, đó là khoảng 5 giờ chiều, ngày 17/10/1972, quân ta bị 2 quả pháo định vị từ K5 (Bảo Lộc) của địch bắn trúng, làm 6 người bị thương và 11 người hy sinh. “Sau khi đánh thắng địch ở Chi khu Đạ Huoai (nay người dân địa phương gọi là Đồi Ngụy), anh em mình quá vui mừng, ngồi ăn uống với nhau tại Vườn cây Nam Nhi (xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai), cách Chi khu Đạ Hu-oai khoảng 3 km và cách Sở chỉ huy (Madagui Forest City) khoảng 7 km, thế là... 17 người bị thương và hy sinh hôm ấy là lính của Tiểu đoàn Đặc công 17, trực thuộc R”, ông cho biết. Theo cựu binh Nguyễn Đức Phúc, Tiểu đoàn Đặc công 17 là đơn vị nhận lệnh của R phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công 200c đánh Chi khu Đạ Huoai. Trong trận đánh ấy, ông là người chỉ huy cả 2 tiểu đoàn. “Sau đó, Tiểu đoàn Đặc công 17 rút về R, cộng thêm tình hình chiến sự có nhiều thay đổi, nên tên tuổi của những người lính hy sinh và bị thương hôm 17/10/1972 tôi không nắm được hết. Trong số những người bị thương hôm đó có ông Nguyễn Văn Dũng, nay vẫn còn sống ở Đà Lạt”, cựu binh Nguyễn Đức Phúc nói thêm.
Mặc dù không nắm hết tên tuổi của những người lính Tiểu đoàn Đặc công 17 bị thương và hy sinh tại Vườn cây Nam Nhi, nhưng vị trí các chiến sĩ đặc công bị công kích bằng pháo thì ông nắm rất rõ. Do vậy, cựu binh Nguyễn Đức Phúc đang tích cực cùng các đồng đội của mình xác định lại tên tuổi và quê quán của những người lính thuộc Tiểu đoàn Đặc công 17 để phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Huoai và chính quyền địa phương lên phương án lập một bia tưởng niệm những người lính đã hy sinh. Ông Lê Chí Học - Giám đốc Công ty TNHH Chí Cương, chủ Khu du lịch Vườn trái cây Nam Nhi, khi biết khu vườn nhà mình từng là nơi 11 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đã vô cùng xúc động: “Qua câu chuyện của cựu binh Nguyễn Đức Phúc kể, tôi được biết thêm về lịch sử của khu vườn, không chỉ là nơi trồng cây ăn trái lâu đời, còn là nơi chứa đựng một phần lịch sử của dân tộc, nơi bồi đắp tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng từ chính những câu chuyện của những người lính đặc công đã chiến đấu, anh dũng hy sinh tại đây”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin