Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Vươn lên (Quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) luôn được những người khuyết tật huyện Đức Trọng coi là mái nhà chung, vì ở nơi đây, ngày qua ngày, họ đã cùng nhau vừa lao động, vừa sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.
Chị Hồng Hạnh (ngoài cùng bên trái) và các thành viên HTX Vươn lên |
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Đức Trọng, Giám đốc HTX Vươn lên, cho biết: Được thành lập từ năm 1998, đến nay, Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng hiện có 170 hội viên. Vào năm 2007, thấy được những nhu cầu cần thiết của NKT, được sự giới thiệu của Sở Công thương, Hội NKT Đức Trọng đã thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp Vươn lên, với mong muốn giải quyết những khó khăn về việc làm, phát huy tinh thần sáng tạo của hội viên, nhằm giúp NKT có thu nhập ổn định, từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự ti khi hòa nhập cộng đồng.
Cũng vào thời gian này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chọn Hội NKT Đức Trọng là mô hình thí điểm triển khai dự án dạy nghề và Hội đã đưa những thành viên của HTX Vươn lên tham gia học lớp kéo máy ngồi, ráp linh kinh (ráp áo len). Sau khi khóa học kết thúc, HTX đã kết nối với Công ty Nắng Mai - Đà Lạt nhận hàng gia công, tạo việc làm cho 30 thành viên là lao động nữ. Sau đó, do thị trường bão hòa và vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, HTX đã chuyển hướng sang hàng len móc và mở cửa hàng in ấn - photocopy. Và rồi, cửa hàng trưng bày sản phẩm và dịch vụ văn phòng ra đời, được Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng duyệt hỗ trợ với số tiền là 55 triệu đồng.
Vì các thành viên có nhiều dạng tật khác nhau, năng lực hạn chế, sức khỏe kém, di chuyển khó khăn, nên từ lúc thành lập đến nay, cùng với các thành viên Ban Giám đốc HTX Vươn lên đã luôn trăn trở để làm sao các sản phẩm của hội viên có đầu ra ổn định, làm sao để nâng cao được chất lượng, mẫu mã, nâng được mức thu nhập cho hội viên, để từ đó, đời sống của mọi người mới đỡ vất vả hơn. “Năm 2007, khi tham gia vào HTX Vươn lên, ngoài công việc của Ban giám sát, tôi còn được giao phụ trách tìm đối tác nhận hàng móc len về cho xã viên gia công, công việc này đòi hỏi trách nhiệm và chuyên môn cao. Vì vậy, bản thân tôi và các thành viên luôn tự mày mò học hỏi để tìm và sáng tạo ra những kiểu móc mới, nhằm nâng cao tay nghề cho mọi người trong HTX. Và lúc đó, để tiết kiệm chi phí cho HTX, tôi phải tự mình kiểm hàng và tự chở bằng xe 3 bánh đi giao tại Đà Lạt, rồi nhập sợi, chở về giao cho xã viên làm” - chị Hạnh nhớ lại giai đoạn đầu HTX đi vào hoạt động.
Ngoài ra, HTX Vươn lên cũng thường xuyên tổ chức mở các lớp dạy nghề móc len, ráp linh kinh, tin học văn phòng,... cho các hội viên trong Hội và phụ nữ các xã, thị trấn lân cận. Chị Trần Thị Bé - thành viên HTX Vươn lên xúc động cho biết: “Sau khi được học nghề, nhiều năm qua, tôi được Hội và HTX Vươn lên tạo điều kiện nhận hàng về nhà móc, thu nhập cũng đủ trang trải cho bản thân. Thật tình là nếu không làm nghề này, với một người khuyết tật, tôi không biết mình sẽ làm được nghề gì để sinh sống”.
Vào năm 2009, khi Hội NKT huyện Đức Trọng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh chọn thành lập mô hình thí điểm CLB Phụ nữ tự lực, chị Hạnh lại được giao giữ thêm một trọng trách nữa đó là chủ nhiệm câu lạc bộ. Chị cho biết, lúc đó, chị phải lên mạng, tìm kiếm thông tin ở nhiều nơi để hàng tháng sinh hoạt truyền đạt lại cho chị em phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết trong cuộc sống, chia sẻ với chị em về kiến thức sinh sản, giới tính, hạnh phúc hôn nhân gia đình, chăm sóc cho con em mình trong gia đình... Ghi nhận những đóng góp của chị, vào năm 2013, chị Hạnh vinh dự là một trong hai NKT tiêu biểu của tỉnh được chọn đi dự Hội nghị biểu dương NKT và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc và cuối tháng 10/2023, chị Hạnh là một trong 93 “Gương sáng đời thường” được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng vinh danh.
Hôm chúng tôi hẹn gặp chị, trong câu chuyện, chị hào hứng khoe, chị sắp đi TP Hồ Chí Minh tập huấn, và trong chuyến đi này, chị sẽ tranh thủ gặp và bàn bạc công việc với một đối tác do Trung tâm Khuyết tật Việt Nam giới thiệu, nếu bàn bạc thành công, sẽ có thêm nhiều việc làm cho các xã viên. “Mong muốn lớn nhất của tôi và các thành viên Ban Giám đốc bây giờ là tìm được nhiều đối tác vừa sản xuất bán trực tiếp, vừa nhận hàng gia công, để làm sao các thành viên trong HTX có việc làm thường xuyên. Và, hiện, khi tình hình dịch COVID-19 cũng đã tạm ổn, khách đã quay lại đặt hàng nhưng ngoài một số anh chị tay nghề giỏi, còn có một số thành viên mới tham gia vào HTX chưa qua đào tạo nghề móc và một số chị tay nghề còn yếu. Và, nếu không có gì thay đổi, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp dạy móc len cho các học viên là phụ nữ thành viên của HTX và một số phụ nữ tuy không khuyết tật nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện” - chị Hồng Hạnh nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin