(LĐ online) - Sau nhiều nỗ lực, cho đến thời điểm hiện tại, công tác chống hạn mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Di Linh đang tiếp tục được đảm bảo. Toàn bộ diện tích cây trồng trên địa bàn huyện cơ bản vẫn ổn định; các nguồn nước sinh hoạt cho người dân tiếp tục được duy trì ổn định.
Các con suối trên địa bàn xã Tam Bố khô hạn |
NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI KHÔ HẠN
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết: Đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài, thời tiết, khí hậu trên địa bàn huyện Di Linh diễn biến phức tạp. gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ đầu năm 2024 đến nay trên địa huyện mới chỉ xuất hiện mưa cục bộ tại 07/19 xã, thị trấn gồm: Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Tân Lâm, Tân Châu, Liên Đầm, Tân Nghĩa và thị trấn Di Linh; mưa trái mùa nên thấp cả về diện và lượng so với mọi năm; nắng nóng và gió khô kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn các năm từ 1,5- 2 độ C; mực nước trên các sông suối, thấp hơn trung bình nhiều năm, các nhánh suối nhỏ đã khô cạn...
Công tác chống hạn mùa khô năm 2024 được UBND huyện Di Linh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, liên tục, bài bản và ngay từ đầu năm. Ngoài các văn bản chỉ đạo kịp thời, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống kiểm tra các công trình thủy lợi, các khu vực, địa phương, đồng thời chỉ đạo xử lý ngay tại thực địa về chống hạn.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh kiểm tra các công trình thuỷ lợi ở các xã trên địa bàn huyện |
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cũng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng, Trạm Quản lý khai thác thủy lợi Di Linh, UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ, chuyên môn trực tiếp bám sát từng khu vực, vị trí, từng công trình thủy lợi để vận hành, điều tiết nước từ các công trình hồ, đập thủy lợi tưới cho cây công nghiệp và phục vụ cho sản xuất Đông xuân; tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng; tận dụng các ao hồ, khe mạch, tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm,...
UBND các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền về công tác chống hạn, tưới nước cho cây trồng; triển khai các biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; phòng, chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm và các loại cây trồng. Nhờ vậy công tác chống hạn mùa khô năm trên địa bàn huyện Di Linh đang cơ bản được kiểm soát. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh cho thấy, toàn huyện có 45.636 ha cà phê, tưới đợt 1 đạt trên 90,67% tổng diện tích; diện tích tưới đợt 2 đạt khoảng 74, 57%; một số địa phương đã bắt đầu tưới đợt 3,4.
Tổng diện tích lúa gieo trồng 1.058/1.131 ha (93,54%) theo kế hoạch, hiện diện tích cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp, cây lúa sinh trưởng và phát triển bình thường.
Với hệ thống các nguồn nước cung cấp tập trung, các nguồn nước tự chảy cùng với hệ thống giếng đào, giếng khoan người dân nên tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước ngầm và nước mặt sẽ sụt giảm, dẫn đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy của một số hộ dân tại một số địa phương có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
Mực nước ở các hồ chứa nước hạ thấp do nắng hạn kéo dài |
CHỦ ĐỘNG TRONG CÁC TÌNH HUỐNG
Toàn huyện Di Linh hiện có 53 công trình hồ, đập dâng; tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng cao; vì vậy mực nước một số công trình hồ, đập đã xuống thấp, điển hình như hồ Thanh Bạch (xã Đinh Lạc), hồ Long Kuh (xã Gung Ré).
Lãnh đạo huyện Di Linh nhận định, trong thời gian tới tình thời tiết nắng nóng, khô hạn vẫn có thể còn kéo dài. Bởi vậy địa phương này đã có kế hoạch để sẵn sàng chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Trong đó địa phương này chú trọng thực hiện việc vận hành điều tiết nước từ các công trình thủy lợi đảm bảo cân đối, cung cấp đủ nước tưới chống hạn cho cây trồng. Thông báo sâu rộng lịch xả nước, thời gian xả nước, lưu lượng xả nước của từng công trình thủy lợi đến các địa phương, khu vực; có phương án ưu tiên cho những khu vực, địa phương xa công trình thủy lợi, không có công trình thủy lợi. Phát huy tối đa hiệu quả của công trình hồ Ka La, đồng thời tiến hành khảo sát nạo vét, xây dựng mới một số công trình hồ, đập để gia tăng dung tích và năng lực tưới. Kiểm tra, kiểm soát hệ thống mương chính, mương nội đồng, các trạm bơm,...phát hiện kịp thời và xử lý triệt để những hư hỏng, sự cố về rò rỉ nước, các vị trí kênh mương có nguy cơ cao về thất thoát nước; đảm bảo dòng chảy thông suốt, liên tục từ đầu nguồn đến hạ du. Thông báo sâu rộng về kế hoạch điều tiết nước, xả nước trong từng thời điểm, thời gian, khu vực để bà con các địa phương chủ động tích nước, trữ nước và tưới nước chống hạn cho cây trồng, tránh để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Người dân các địa phương và lực lượng dân quân tham gia khơi thông hệ thống kênh mương thuỷ lợi |
Ngành nông nghiệp địa phương bám sát cơ sở, theo dõi và hướng dẫn người dân trong công tác tưới nước chống hạn; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm; vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây trồng ít dùng nước như bắp, đậu vàchuyển đổi lịch thời vụ diện tích lúa Đông Xuân sang vụ lúa Xuân Hè.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân huy động mọi nguồn lực tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ để chống hạn; chủ động nạo vét ao hồ, kênh mương dẫn nước, sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, cho gia súc, cây trồng chính, chia sẻ nguồn nước cho các hộ xung quanh trong sinh hoạt, khắc phục ngay tình trạng tranh giành nguồn nước, tiến hành đào ao để tích trữ nước.
Trong điều kiện khó khăn do nắng nóng, hạn hán gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chức năng, việc mỗi người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm nước là yếu tố mang tính quyết định để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin