Tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở nông thôn 

LAM PHƯƠNG 06:20, 06/03/2024

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề làm bánh tráng, nên khi vào Lâm Đồng lập nghiệp, vợ chồng anh Luân Văn Quy - chị Triệu Thị Thoa - dân tộc Nùng ở thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng (Đam Rông) luôn duy trì và phát triển nghề làm bánh tráng với mong muốn gắn bó với nghề gia truyền. Đến nay, Cơ sở bánh tráng Quy Thoa đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nữ ở địa phương, vận động một số chị em trong thôn xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tạo lập thương hiệu sản phẩm. 

Công đoạn tráng bánh, cắt bánh được thực hiện bằng máy móc
Công đoạn tráng bánh, cắt bánh được thực hiện bằng máy móc

Gia đình anh Luân Văn Quy - chị Triệu Thị Thoa có truyền thống với nghề làm bánh tráng ở xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2009, gia đình anh chị vào sinh sống, lập nghiệp tại huyện Đam Rông. Những ngày đầu lập nghiệp trên quê hương mới gặp nhiều khó khăn vì giá cả thị trường cà phê bấp bênh, sẵn có nghề gia truyền, vợ chồng chị Thoa quyết định tạo dựng nghề làm bánh tráng ở quê hương mới để phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Triệu Thị Thoa, chủ Cơ sở bánh tráng Quy Thoa, chia sẻ: Trước đây, việc sản xuất bánh tráng được làm thủ công nên sản phẩm đạt ít, chưa đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng tăng cao, nên năm 2016, gia đình chị đã quyết định đầu tư trên 1,2 tỷ đồng mở rộng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, 2 máy làm bánh...) theo hệ thống dây chuyền sản xuất bánh khép kín, từ công đoạn xay bột, đánh bột, tráng bánh, cắt bánh được thực hiện bằng máy móc. Còn công đoạn của người lao động chủ yếu đưa bánh ra phên để phơi khô, thu vào, cắt bánh thành từng xấp tròn và đóng gói...

Chị Thoa cho biết thêm, nghề làm bánh tráng cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, chỉ thực hiện được khi trời nắng, nên để chủ động sản xuất, không bị gián đoạn, cơ sở đã xây dựng nhà kính để phơi bánh trong mùa mưa với diện tích 600 m2. “Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là gạo. Để làm được những chiếc bánh tráng đảm bảo chất lượng, thơm ngon phải chọn gạo dẻo, sau đó đến các công đoạn ngâm gạo, xay bột, đánh bột... phải được thực hiện đúng kỹ thuật. Tiếp đến là công đoạn tráng bánh, cắt bánh và đưa lên giàn phơi, đòi hỏi sự khéo léo và thuần thục một cách cẩn thận để bánh không bị rách rồi đặt lên các tấm phên đan bằng tre đem phơi nắng”, chị Thoa nói. 

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất cung cấp sản phẩm bánh tráng cho người tiêu dùng, Cơ sở bánh tráng Quy Thoa còn là địa chỉ đáng tin cậy trong giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động vùng nông thôn. Hiện nay, Cơ sở bánh tráng Quy Thoa đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 10-15 lao động nữ ở địa phương với thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày cơ sở sản xuất ra trên 15 nghìn chiếc bánh tráng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, không có hàng tồn. Theo tính toán của gia đình chị Thoa, sau khi trừ chi phí đầu tư, cơ sở thu về trên 30 triệu đồng/tháng. Chị Đinh Thị Huệ ở thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng cho biết: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, chồng làm thợ xây, còn tôi làm nghề tự do. Khi Cơ sở bánh tráng Quy Thoa được thành lập, tôi và một số chị em trong thôn xin làm công nhân tại đây, công việc tương đối nhẹ nhàng, hàng tháng thu nhập cũng khá cao và đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước”. 

Sau khi mở rộng sản xuất, đến nay Cơ sở bánh tráng Quy Thoa đã tăng công suất sản xuất bánh lên gấp từ 2-3 lần, đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm bánh cho các địa phương trong tỉnh và các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Kiên Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh miền Tây... Đây là một tín hiệu mừng giúp cho các hộ làm nghề bánh tráng vừa nâng cao thu nhập, vừa giải quyết việc làm ổn định cho lao động nữ ở nông thôn. Qua đó, góp phần giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Liêng, cho biết: “Gia đình anh Luân Văn Quy - chị Triệu Thị Thoa đã gắn bó hơn 20 năm với nghề truyền thống làm bánh tráng. Đến nay, cơ sở này đã vận động, truyền nghề cho một số hộ dân trong vùng để xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo lập thương hiệu sản phẩm để khẳng định vị thế trên thị trường. Đặc biệt, cuối năm 2023, cùng với các sản phẩm mắc ca, tinh dầu mắc ca, Cơ sở bánh tráng Quy Thoa, xã Phi Liêng đã được cấp giấy chứng nhận Mỗi xã một sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Đam Rông”.