Đổi mới phong cách nghệ thuật trưng bày, bảo tàng Lâm Đồng đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Du khách tham gia trò chơi dân gian tại bảo tàng Lâm Đồng. |
Thiên nhiên kỳ thú
Du khách như được cảm nhận không khí trong lành của rừng Nam Tây Nguyên, thông qua các mẫu động, thực vật, các tiêu bản giới thiệu các loại khoáng sản tiêu biểu, thông qua các phim tư liệu giới thiệu Vườn quốc gia Cát Tiên và VQG Bidoup Núi Bà, du khách cảm nhận được địa hình nổi bật trong vùng là dạng bậc thềm và bán bình nguyên cổ chuyển tiếp từ các cao nguyên cực Nam Trung Bộ đến đồng bằng Nam Bộ; Hệ động vật, thực vật thủy sinh đa dạng, các thảm thực vật kiểu rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng tre nứa, nhiều loại thực vật quý hiếm có đường kính khoảng hàng chục người ôm như: Gõ đỏ, dầu, bằng lăng, dáng hương, pơmu, thông đỏ...
Nét đặc trưng của khu hệ động vật bình nguyên Đông Trường Sơn, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, điển hình là các loài thú móng vuốt như: Bò rừng, nai, treo, heo rừng, hoẵng, tê giác, voi, hạc cổ trắng, hồng hoàng... nằm trong những cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ.
Sống động những giá trị vĩnh hằng
Là nơi lưu giữ khá nhiều di sản văn hóa, với những phát hiện khảo cổ học đã phản ánh cuộc sống của người nguyên thủy, những dấu tích của nền văn minh sông Đồng Nai với những mộ tháp, đền tháp... bảo tàng đã lựa chọn những hiện vật tiêu biểu nhất để minh chứng cho những hoạt động của con người từ thời đại đá cũ, làm sáng rõ giai đoạn hậu ký đá mới và sơ kỳ kim khí.
Bộ sưu tập công cụ ghe đẽo gồm rìu đá, cuốc đá đã cung cấp cho du khách những tư liệu quý giá để nghiên cứu thời đại đồ đá ở vùng Nam Tây Nguyên; Bộ sưu tập đàn đá với những thanh đá được ghè đẽo, tạo dáng trên hai mặt theo một định hình có quy trình thống nhất. Đứng ở góc độ chế tác đá, những thanh đá này cơ bản được chế tác từ kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp đến sự tham gia có mức độ của kỹ thuật mài. Sự tồn tại kỹ thuật chế tác điêu luyện, thành thục, có khả năng bằng sự ghè đẽo để điều chỉnh âm thanh của đá.
Để du khách dễ hiểu hơn về di chỉ khảo cổ học Lâm Hà, Cát Tiên, bảo tàng đã tái tạo cấu trúc địa tầng, trụ giới kết hợp các di vật độc đáo với hình ảnh hiện trường khai quật, phác thảo nên bức tranh về một thời kỳ rực rỡ, hưng thịnh trong giai đoạn lịch sử chưa thành văn ở Tây Nguyên.
Đặc trưng văn hóa các dân tộc bản địa
Bản sắc văn hóa của các sắc tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru được thể hiện phong phú, đa dạng qua sự giới thiệu đầy đủ các công đoạn về các nghề thủ công truyền thống như nghề dệt, nghề đúc nhẫn bạc, nghề làm gốm... Qua các lễ hội đặc sắc như: Lễ đâm trâu, lễ cúng lúa, lễ cầu mưa. Đây là nơi đã cô đọng một cách khoa học kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo của các dân tộc bản địa thông qua các nhạc cụ tự tạo như: trống, khèn, khèn môi, khèn bầu, đàn, sáo... thông qua diễn tấu cồng chiêng, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi cùng trân trọng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhằm tuyên truyền đậm nét về nội dung này, ngoài phần trưng bày, bảo tàng đã xây dựng một nhà dài Mạ, một nhà dài Cơ Ho; đã phục dựng đầy đủ sinh hoạt đời sống của một gia đình huyết thống có bốn thế hệ: Từ bàn thờ, bếp, nơi ngủ, đến các vật dụng nồi đất, chóe, chum đựng rượu cần, nong, nia, gùi... cho đến công cụ sản xuất, công cụ săn bắt như: xà gạt, xà bách, lao, ná. Phần triển lãm này hết sức sinh động vì được thuyết minh bởi một sơn nữ Cơ Ho, tốt nghiệp Khoa Sử, Đại học Đà Lạt. Nếu du khách có yêu cầu, cô gái này sẽ mời dân làng mình diễn tấu cồng chiêng, múa, hát; mời du khách thưởng thức đặc sản rượu cần ngay tại ngôi nhà Cơ Ho này.
Tái hiện lịch sử
Du khách có thể tra cứu album điện tử để tìm hiểu về những thay đổi của Đà Lạt hơn 100 năm qua. Đồng thời tiếp cận với những hiện vật và hình ảnh về trang phục, phương tiện đi lại của tầng lớp quý tộc và cư dân từ các vùng miền về hội tụ ngay từ những ngày Đà Lạt mới hình thành.
Đầu tháng 7/2011, bảo tàng đã mở cửa đón khách tham quan dinh Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu - nên còn được gọi là cung Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một trong những dinh thự cổ, có lối kiến trúc độc đáo và đẹp bậc nhất Đà Lạt. Tại đây, với bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh quý hiếm du khách sẽ tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của hoàng hậu duy nhất và cuối cùng của triều Nguyễn.
Qua 3 lần tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Bảo tàng Lâm Đồng, bà Nguyễn Trường An, Trường phòng Nghiên cứu Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh nói: "Lần trưng bày này Bảo tàng Lâm Đồng đã sử dụng cách bài trí ấn tượng, sống động, tìm một lối riêng để tái hiện lịch sử của vùng Nam Tây Nguyên, tận dụng được không gian rộng 3 ha làm nơi du ngoạn, cắm trại cho du khách, tạo nên một lợi thế hiếm có trong hệ thống Bảo tàng khu vực miền Trung Tây Nguyên".