Suy ngẫm từ LIVERPOOL

10:07, 18/07/2011

Ngày tôi lên đường bạn đã có lời chúc thượng lộ bình an và không quên nhắn nhủ hãy viết thư cho toà soạn.

Ngày tôi lên đường bạn đã có lời chúc thượng lộ bình an và không quên nhắn nhủ hãy viết thư cho toà soạn.
             
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Heathrow – London (Thủ đô vương quốc Anh) trong một buổi sáng  tháng 7,  trời  hửng nắng, mọi người nói rằng đây là một ngày  đẹp trời hiếm có trong năm ở xứ sở sương mù! Đã 5h50 phút sáng mà sân bay  vẫn còn như đang ngái ngủ! Trong cái khoảnh khắc yên tĩnh cũng hiếm có  của một sân bay quốc tế nổi tiếng là sôi động và bận rộn nhất châu Âu này, mọi người lặng lẽ làm thủ tục nhanh chóng ra khỏi sân bay và xuống tàu điện ngầm đi vào trung tâm thành phố. Ngồi thưởng thức ly café capucino với món fastfood truyền thống của xứ sở được mệnh danh là cái nôi công nghiệp của thế giới cho đến thức ăn cũng được sản xuất theo kiểu của công nghiệp, ngắm cảnh mọi người đi lại đông đúc với tốc độ nhanh chóng, vội vã lên xuống tàu điện ngầm ở ga trung tâm thủ đô. Sau đó chúng tôi chuyển sang tàu điện đi về thành phố Liverpool  nằm bên bờ biển phía tây  nước Anh. Ở đây mọi hành khách đều làm việc với máy bằng những tâm thẻ từ, từ mua vé, vào cửa và lên tàu đều kể cả đổi tiền cũng bằng máy, không có một người người phục vụ nào! Con tàu lao vun vút nuốt trọn quãng đường dài trên 400km trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Ngồi trong toa tàu  nhìn qua cửa kính  ngắm cảnh làng quê nước Anh với  những thảo nguyên mênh mông, đó đây những đàn bò sữa, những bầy ngựa, những bầy cừu đang gặm cỏ cho ta một cảm giác bình yên của miền thôn dã châu Âu bỗng dưng  nhớ về những năm đất nước mình sau chiến tranh, ngồi trên con tàu xuyên Việt  ngắm cảnh đồng quê  với luỹ tre làng, cánh đồng lúa xanh rì, chú mục đồng trên lưng trâu và đàn cò trắng trên  bầu trời xanh cái cảm giác hạnh phúc bình yên sau cuộc chiến ùa về đến nao lòng. Nhận ra sự giống nhau về cảnh bình yên của miền thôn dã, nhưng lại khác nhau từ nguồn gốc hình thành làng quê mà sách vở đã từng viết rằng xuất phát từ miền nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của các loài thực vật, đó là cơ sở để cha ông chúng ta sáng lập nên nền kinh tế lúa nước, sống định cư và hình thành làng quê VN với luỹ tre làng bao quanh có cổng làng với cây đa giếng nước mái đình, một làng quê khép kín, bên cạnh đó là cánh đồng lúa nuôi sống dân làng hàng chục nghìn năm chống trời và giữ đất, sống hoà nhập với thiên nhiên
    
Ngược lại thì  làng quê phương Tây từ khí hậu khô và lạnh thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi từ đó hình thành nên nền kinh tế du mục với sở thích và khả năng đi chinh phục thiên nhiên, tư duy phân tích phát triển mạnh mẽ, một làng quê mở và không gắn kết chặt chẽ như làng quê VN. Cho nên khi ta nói làng quê thì người Anh cũng nói làng quê (Village) nhưng trong tư duy lại diễn ra 2 hình ảnh khác nhau: Làng quê của nước Anh là một cụm dân cư trên thảo nguyên mênh mông, một làng quê mở với những bầy đại gia súc hàng trăm thậm chí hàng ngàn con bò sữa, cừu, ngựa…
    
Ngày nay nông thôn nước Anh thay đổi cũng đã nhiều, máy móc hiện đại đã thay thế phần lớn sức người trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến, khoa học kỹ thuật được  ứng dụng để khai thác thiên nhiên nhằm phục vụ nhu cầu con người ngày càng cao. Dọc theo đường tàu chúng ta thấy thỉnh thoảng đây đó một số  nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản phát triển trên cơ sở phục vụ cho nông nghiệp, phục vụ cho sự phát triển của cuộc sống làng quê. Một anh bạn đang làm luận văn tiến sĩ tại Anh  nói với tôi rằng: “Anh quốc là một đất nước phát triển công nghiệp đầu tiên của thế giới, nên họ thấu hiểu mặt trái của việc phát triển công nghiệp ồ ạt, không tính toán kỹ có khi sẽ là thảm hoạ! Nhiều năm qua họ chủ trương hạn chế việc xây dựng công nghiệp tràn lan, muốn xây dựng một nhà máy nào đó phải được tính toán rất kỹ về tính hiệu quả, không xâm phạm môi trường cảnh quan nhằm đảm bảo phát triển bền vững, những năm gần đây họ đã đóng cửa khá nhiều nhà máy, giảm tỉ lệ công nghiệp để giữ gìn tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nền sản xuất hiện đại và cuộc sống cao thì có lẽ nay mai dân ta cũng sẽ dần đạt được nhưng điều muốn nói là ở Anh Quốc sản xuất phát triển, chất lượng cuộc sống rất cao, phương tiện kỹ thuật phục vụ sản xuất và tiêu dùng ở nông thôn đã rất hiện đại nên hầu như họ không thiếu thứ gì so với thành phố .Nhưng hình dạng của nông thôn hầu như không đổi thay lớn, cảnh quan  vẫn êm đềm, đáng yêu với làng mạc dưới những rặng cây, vẫn thảo nguyên mênh mông với những đàn gia súc, vẫn cánh đồng sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp với những hồ nước trong xanh… như những câu chuyện trong những cuốn sách mà chúng ta đã đọc từ xưa về miền quê châu Âu. Họ khai thác thiên nhiên nhưng họ cũng bảo vệ thiên nhiên nghiêm ngặt, Một mương nước nhỏ xíu chỉ vừa đủ  cho 2 chiếc thuyền tránh nhau cũng được xây kè trồng cây 2 bờ và làm đường giao thông thuỷ,   cây xanh, hoa dại dọc đường , những chú  chim trời…được bảo vệ trở nên thân thiện với con người. Một nông thôn êm đềm và an toàn  điển hình như muôn thuở.  Mùa này người nông dân đang lái chiếc máy, cắt cỏ  rồi đóng lại thành từng bánh bọc kín trong những tấm  nilon để dành cho mùa đông  tới.

Ngày nay làng xã ở Việt Nam cũng đang thay đổi rất nhanh chóng với nhiều mặt khá tích cực, máy móc thiết bị kỹ thuật đã vào đồng ruộng: Ngày xưa để gieo cấy xong một cánh đồng người ta phải mất nhiều tháng, ngày nay chỉ vài chiếc máy  cày quần liên tục cả  ngày lẫn đêm, ban đêm  đèn máy cày bật sáng rực cả cánh đồng chỉ trong 3 ngày đêm là  hoàn tất , máy gặt đập làm việc luôn tại ruộng chỉ trong một tuần là xong cả một cánh đồng mà ngày xưa cũng  phải mất hàng tháng người nông dân trần lưng dưới nắng mưa!, Lúa được đóng bao đưa lên xe chứ không còn phải dùng sức người gánh vác như ngày xưa nữa. Thời gian nông nhàn trong năm dài ra, thanh niên nông thôn lại kéo nhau ra thành thị tìm việc làm nhưng không phải dễ, họ làm đủ thứ việc miễn có tiền và vì thế mà họ cũng tiếp thu một cách nửa vời đủ thứ văn hoá  của đô thị đem về nông thôn. Cùng với sự thay đổi nêu trên là sự thay đổi đột ngột xảy ra bởi một số dự án  kinh tế  không liên quan gì tới cuộc sống làng quê, không liên quan tới sản phẩm nông nghiệp, không có bước chuyển tiếp hợp lý để tiếp nhận cái mới, người nông dân ngàn  đời bỗng dưng thoát ly mảnh ruộng từ cha ông truyền lại, và cũng không còn để truyền lại cho đời sau, người nông dân bỗng dưng có một khoản tiền lớn nhưng khó có thể biến “T thành T” “một cách bền vững như nghề nông mà họ đã rất thành thục! Tất nhiên chưa phải đã là tất cả nhưng ở một số nơi đã xuất hiện sự thay đổi của những gì là bản sắc truyền thống, nét văn hoá đáng yêu của nông thôn xưa bị phá vỡ, luỹ tre làng bị bung ra, karaoke, café đèn mờ ùa vào không theo một qui định nào của ai cả! Nhạc xập xình cả ngày lẫn đêm cho cả làng cùng nghe không ai can thiệp được! Những con mương thuỷ lợi nước trong xanh ngày xưa, nay đầy rác thải kiểu rác đô thị, đi bộ trong đường làng có thể ngửi thấy mùi  cống rãnh của đô thị đang lấn át dần mùi hương đồng gió nội, lối sống hợm hĩnh của một bộ phận thanh niên hư hỏng ở đô thị lại xuất hiện ở nông thôn, tình làng nghĩa xóm mai một dần bắt đầu có dấu hiệu đèn nhà ai nấy rạng. Thấy việc sai trái không ai dám lên tiếng, dư luận của làng xã không còn sức mạnh như xưa nữa! Cảnh quan êm đềm xưa của nông thôn VN đã mất nhiều. Ta còn nhớ trong những năm tháng chiến tranh trong làng chỉ có một chi bộ hoạt động bí mật nhưng đã là chỗ dựa vững chắc cho cả làng đoàn kết gắn bó: cắm chông, cài bẫy, đánh lén, bắn tỉa, đấu tranh trực diện v..v… làm cho kẻ địch có sức mạnh gấp trăm, gấp ngàn lần phải khiếp sợ, còn bây giờ làng xã có cả một bộ máy chuyên chính, hoạt động công khai hợp pháp được đủ các loại chính sách và đủ quyền lực nhưng đã có hiện tượng ở một vài nơi dân làng lại không dám chặn đứng, giáo dục hoặc lên tiếng đối với những hiện tượng hư hỏng, trộm cướp xảy ra trong làng mình vì sợ bị trả thù.

Thực ra những điều đó  đang diễn ra theo qui luật của sự phát triển luôn có mặt tốt và cũng có mặt chưa tốt! Nhưng nếu nhìn  thấy trước được, nhất là trong thời đại thông tin ngày nay thế giới đã thu gần lại, rất gần! Chúng ta có nhiều điều kiện để  nhìn xem những bước đi thành công và cả thất bại của xứ người  từ đó đề ra những sách lược hợp lý làm cho cái tích cực tiến bộ xuất hiện với sức sống mạnh mẽ lấn át mặt tiêu cực tối đa để cho sự phát triển trở nên lành mạnh và bền vững làm cho cuộc sống nông thôn phát triển hoà nhập với cuộc sống của thế giới hiện đại mà vẫn giữ được những gì thuộc về bản sắc tốt đẹp của nông thôn Việt Nam ngàn đời đáng yêu.
                                                            
LIVERPOOL THÁNG 7 / 2011
TRỌNG NGUYÊN