Nhớ bánh canh Xuân An

03:09, 14/09/2011

Sợi bánh canh Xuân An nhìn khá trong, không bở, cũng không dai rất dễ ăn.

Bà Quýt bên nồi bánh canh
Bà Quýt bên nồi bánh canh
Anh bạn tôi xa quê hơn 7 năm, khi về lại Đà Lạt được vài ngày đã rủ tôi đi ăn bánh canh Xuân An. Anh tâm sự: “Ở nước ngoài các món ăn Việt Nam không thiếu, nhưng hương vị không thể bằng ở quê nhà. Nhiều năm rồi mình thèm tô bánh canh Xuân An, cứ mong sớm về Đà Lạt để thưởng thức”.

Xuân An là tên của khu dân cư nằm bên một triền đồi chạy dọc con đường Nhà Chung (Đà Lạt). Đây là con đường có nhiều quán ăn như bún bò, phở, hủ tíu, cháo vịt, mì quảng, bánh canh…cùng mang tên Xuân An.

Thời bao cấp ở Xuân An thành lập hẳn một hợp tác xã ăn uống qui tụ hàng chục hộ tham gia, tập trung buôn bán đầu đường Nhà Chung. Sau khi đường Nhà Chung được mở rộng thì phố hàng ăn này bị giải tỏa, có quán dời đi đường khác, có quán được đưa về các căn hộ dọc đường Nhà Chung. Riêng quán bánh canh của bà Nguyễn Thị Quýt được thực khách gọi là “bánh canh Xuân An” để phân biệt với nhiều quán bánh canh khác ở Đà Lạt suốt gần 30 năm qua.

Sợi bánh canh Xuân An nhìn khá trong, không bở, cũng không dai rất dễ ăn. Bà Quýt cho biết, bánh canh được làm bằng bột sắn sản xuất ở vùng đất Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) pha với bột gạo theo tỉ lệ thích hợp. Mỗi sáng sớm con cháu bà thức dậy tự nhồi bột, cán dẹp và cắt thành sợi nhỏ; đây là công việc vất vả nhất, nhưng lại quyết định nét đặc trưng của bánh canh Xuân An. Không chỉ bánh, chả miếng và chả viên cũng tạo sự khác biệt với “bánh canh dốc đá”, “bánh canh vòng xoay truyền hình”...

Trước đây bà Quýt mua cá thu từ Nha Trang, Phan Rang về làm chả. Nhưng phải “lụy” vùng biển, những lúc mưa bão không có nguồn cá để làm; bà Quýt đã mua thịt heo nạc về xay để chế biến thành chả miếng và chả viên. Bà Quýt thổ lộ, bí quyết để giữ được chất lượng ổn định là luôn giữ đúng tỉ lệ bánh, nước, chả trong một ngày nấu, nếu thay đổi tỉ lệ bánh canh sẽ mất ngon, mất ngọt.

 
Bên cạnh bánh canh chả, thực khách có thể gọi thêm giò heo khoanh được nấu nhừ. Đà Lạt rau cỏ dồi dào, nên bánh canh Đà Lạt nói chung, bánh canh Xuân An nói riêng có nhiều hành ngò xắt nhỏ trộn với củ hành tươi xắt mỏng cùng với tiêu xay và những miếng ớt đỏ càng làm tăng thêm hương vị nồng nàn, đậm đà hấp dẫn.

Những chiều trời mưa, quán bánh canh Xuân An càng nhộn nhịp. Có lẽ khi thưởng thức tô bánh canh nghi ngút khói “vừa thổi vừa ăn” thực khách cảm nhận được sự tinh túy của hương vị đặc trưng và xua tan bớt cái lạnh chiều mưa phố núi. Phải chăng vì thế mà anh bạn tôi cứ mong mau về lại Đà Lạt để được thưởng thức.

Lâm Viên