Các món côn trùng chiên béo đến tận các giác quan được bày bán khắp nơi từ trong các nhà hàng sang trọng, đến các hàng quán vỉa hè và được mọi người ưa chuộng.
Hàng bán côn trùng |
Xe chúng tôi đến khu chợ ở bến phà Niek Luong, tạm dừng để các ông thư giãn và các bà thử tìm mua sắm thức ăn. Trước mắt tôi là một dãy hàng quán dài, chất ngồn ngộn những cái thau nhựa to đựng… chim chiên và những côn trùng chiên như dế, bọ cạp, nhện v.v…bên cạnh cái chảo dầu to đùng sôi sùng sục như gian hàng bán “giò cháo quẩy, bánh tiêu” của những người Hoa ở Việt Nam. Mấy cô, mấy bà mắt tròn, mắt dẹt nhìn những con dế còn nguyên râu, chân và những con nhện đen ánh mà không khỏi rùng mình nổi gai ốc.
Kể cũng lạ! Campuchia vốn nổi tiếng là một quốc gia có nền ẩm thực phong phú, mang sắc thái truyền thống phương Đông và đạo Phật, cũng giống như các nước Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ, song người Campuchia thích ăn cá nhiều hơn là ăn thịt, thức ăn có nhiều gia vị, nhưng cũng không quá béo. Các món côn trùng chiên, trừ bọ cạp, bù niễng (một loại bọ cánh cứng) khi ăn, nghe lảm sảm, ít béo còn lại món nhện chiên, trứng kiến chiên, dế chiên thì càng nhai càng nghe… béo đến tận các giác quan, lại được bày bán khắp nơi từ trong các nhà hàng sang trọng, đến các hàng quán vỉa hè và được mọi người ưa chuộng, bốc ăn như ta ăn… bắp rang hay đậu phộng rang một cách khoái khẩu và thích thú. Và cũng theo nhiều chuyên gia ẩm thực hiện nay, ăn côn trùng đang ngày càng phổ biến trên thế giới, vì thịt côn trùng giàu chất đạm, bổ sung nhiều dinh dưỡng quí giá, không có hại cho sức khỏe như nhiều thức ăn giàu đạm khác.
Dọc đường đến Siem Reap, chúng tôi được nhìn thấy rất nhiều “cái bẫy” bắt dế ngay trên bờ ruộng, gần với những khu dân cư. Thử ghé lại tìm hiểu. Thì ra cách bắt dế cũng khá đơn giản: Người ta cắm hai cây tre cao chừng hai mét, cách nhau khoảng ba đến bốn mét, và căng lên một tấm nylon trắng. Phía trên treo một ngọn đèn neon có tia màu tím (sử dụng điện nhưng phần lớn thắp sáng bằng bình ắc quy). Phía dưới tấm nylon cong lên tạo thành cái máng, trong có chứa nước. Ban đêm đèn sáng, các loại côn trùng, nhiều nhất là dế, bay đến ngọn đèn, gặp tấm nylon cản lại, rớt xuống vào cái máng nước phía dưới. Sáng ra, người ta vớt lên từ cái máng ấy…cả mấy ký côn trùng các loại.
Theo người dân ở đây, cả nước Campuchia, một đêm có thể bắt cả tấn côn trùng! Điều này cũng dễ hiểu, vì theo giải thích của anh Ca- Khon, Campuchia đất rộng người thưa, ruộng rẫy chỉ làm một vụ mùa, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay trừ sâu rầy như bên Việt Nam, nên côn trùng, nhất là dế thì nhiều vô số kể. Nhìn vào thau dế, đủ loại dế như dế cơm, dế than, dế lửa và cả dế… chó. Chỉ thiếu chú dế nhũi! Tất cả được… bóp bụng, sau đó rửa sạch để nguyên chân, đầu và râu, trộn chút ít muối, cho vào chảo dầu chiên, là đã có ngay món dế chiên ăn đến… ghiền! giòn, ngọt, bùi, béo… thấm đến tận kẽ răng! Sở dĩ người viết bài phải phân biệt các loại dế, vì ở Việt Nam, lúc còn bé, người viết vẫn thường rủ các bạn đi bắt dế cơm (loại dế to bằng ngón tay cái, thịt thơm và béo), về ngắt bỏ đầu, chỉ lấy phần bụng, cho vào hột đậu phộng, lăn bột và chiên ăn rất “bá chấy”, còn các loại dế than, dế lửa (gọi chung là dế đá, không ăn vì hôi cỏ), dế chó có màu vàng nhạt cả đầu lẫn cánh, chỉ bay không “ đá đấm” gì cũng bỏ không lấy.
Đêm Siem Reap mưa giăng giăng, rủ thêm vài người bạn vào một quán nhỏ gần chợ lai rai… nhện chiên với “nước mắt quê hương” mang từ Việt Nam sang. Nhìn cái giỏ lưới đựng cơ man là nhện, màu đen tuyền như nhung. Thắc mắc không biết người Campuchia bắt nhện bằng cách nào và ở đâu mà nhiều quá! Hỏi thăm cô bé phục vụ. Cô cười, hàm răng trắng lóa với lúm đồng tiền trên má, trả lời bằng tiếng Việt Nam, tuy còn ngọng nghịu “ Cũng hỏng biết nữa đó.”
Lúc ra về tính tiền, anh bạn Ca- Khon vui tính lém lỉnh, mua thêm một bọc xốp nhện sống, chẳng biết để làm gì. Nhưng tôi biết, đêm nay ở Siem Reap, cố cung của vương quốc Campuchia xưa tôi sẽ có một giấc mơ về những con dế và những chú nhện đen cùng với nụ cười bốn mặt của Bayon…