Phát triển du lịch bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí, nó còn là yếu tố sống còn trong mục tiêu phát triển du lịch.
Điệu xoang đêm hội. Ảnh: BN |
Ở tỉnh ta, Du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm. Số lượng du khách đến với Lâm Đồng đã tăng nhanh đáng kể trong những năm gần đây. Nếu năm 2000, toàn tỉnh chỉ đón được 710.000 lượt du khách, thì đến năm 2005, đã tăng lên 1.560.900, và năm 2010, đã là 3.115.000 lượt du khách. Theo đó, doanh thu từ du lịch cũng đã có những thay đổi đáng kể. Năm 2000, đạt 355 tỷ đồng, năm 2005, đã tăng lên 1.405 tỷ và đến năm 2010, con số này đã là 4.500 tỷ đồng.
Nhưng để thu hút khách du lịch một cách bền vững thì điều quan trọng là phải tính đến yếu tố văn hoá. Hay nói cách khác, văn hoá chính là điều kiện bắt buộc phải có để xây dựng ngôi nhà du lịch trở nên hoành tráng, đồ sộ và bền vững. Danh lam, thắng cảnh, cùng những sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn… muốn thực sự trở thành đặc sản thì phải gắn chặt chẽ với yếu tố văn hóa. Bởi du khách đến với một nơi nào đó, thì cái mà họ quan tâm đến đầu tiên là bản sắc văn hoá, cách ứng xử văn hóa cũng như trình độ văn hoá của người tổ chức.
Ông Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã từng khẳng định rằng: “Không có sản phẩm du lịch nào mà không mang nội dung, không thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc. Không một di sản thiên nhiên nào không mang dấu ấn di sản văn hoá dân tộc. Ngay cả việc bảo tồn, giữ gìn, trân trọng thiên nhiên đến độ cả nhân loại suy tôn một địa danh là di sản thiên nhiên thế giới cũng đã là một sự suy tôn giá trị văn hoá, cách ứng xử văn hoá đối với thiên nhiên của một dân tộc”. Mặt khác, ngay trong từ “Du lịch” đã chứa đựng trong nó yếu tố văn hoá. Những địa danh như Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long hay Phong Nha - Kẻ Bàng… mà du khách thập phương đổ về để chiêm ngưỡng, cũng chính là để tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hoá trường tồn của dân tộc ta. Đây cũng chính là điều rất có ý nghĩa khi mà hiện nay trên thế giới, hàng năm bình quân có tới gần 500 triệu người đi du lịch, trong đó, chiếm trên 60% là đi với mục đích tìm hiểu, khám phá về văn hoá. Vì vậy, sản phẩm quan trọng nhất của du lịch là du lịch văn hoá. Và một khi nó được coi trọng đúng mức trong toàn bộ các sản phẩm du lịch thì hiệu quả về kinh tế cũng theo đó mà phát triển. Cũng chính vì lẽ đó mà Đảng ta, từ lâu đã chỉ rõ: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao”.
Như vậy, phương hướng và mục tiêu của hoạt động du lịch đã được khẳng định, nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất, quả là còn rất nhiều khó khăn. Nếu như năm 2011, ngành Du lịch Việt Nam đang phấn đấu đạt trên 5 triệu lượt khách quốc tế, thì các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đạt được gấp 3 lần con số này; trong đó, chỉ riêng Malaysia, một nước có tốc độ tăng trưởng trung bình về du lịch đã đón gần 20 triệu lượt du khách. Ở nước ta, nhiều chuyên gia kinh tế, văn hoá đã từng nhận định rất đúng rằng: Sở dĩ hoạt động du lịch của ta còn yếu kém, phần lớn là chưa thể hiện được hiệu quả mối quan hệ gắn bó giữa văn hoá và kinh tế trong du lịch. Điều này khi nhìn vào bức tranh du lịch của tỉnh ta, một địa phương mà hoạt động du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thì thấy rất rõ. Từ trước đến nay, sự gắn kết giữa văn hoá và du lịch còn thiếu chặt chẽ. Các hoạt động văn hoá để thu hút du khách đến với Lâm Đồng - Đà Lạt ít được tổ chức. Đông đảo du khách khi đến với Đà Lạt, có lẽ, cũng chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của thành phố cao nguyên xinh đẹp này.
Để giải được bài toán phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ kinh tế - văn hoá, sớm đưa nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng vào hàng các nước, cũng như địa phương có ngành du lịch phát triển, trong điều kiện du lịch của Việt Nam và Lâm Đồng mới ở vào giai đoạn đầu tư, đòi hỏi phải có sự lựa chọn cách đi thích hợp, mà một trong những yếu tố đầu tiên là phải tạo sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và du lịch. Trong đó, phải đặc biệt chú ý đến bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số. Xây dựng một thái độ ứng xử có văn hoá cao với thiên nhiên, xem đó như là một sản phẩm quan trọng và chủ yếu của du lịch phải là nhận thức thường trực và sâu sắc đối với mọi người dân, trước hết là trong đội ngũ những người làm công tác du lịch ở nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Bên cạnh đó, việc quảng bá, tiếp thị các sản phẩm của Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến khắp mọi miền đất nước với nhiều hình thức khác nhau là điều rất cần được quan tâm thực hiện.
Văn hoá và du lịch, đó là một sự gắn bó hữu cơ, không thể tách rời được.