Lâm Đồng hiện có trên 200 dự án đầu tư vào du lịch đang được triển khai. Khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thiện, khoảng cách giữa Đà Lạt với các đô thị lớn sẽ rút ngắn. Tỉnh cũng đang xúc tiến đường bay đến Huế, mời gọi đầu tư vào Khu du lịch (KLD) Đan Kia - Suối Vàng…
Có nhiều điều kỳ thú chưa được khám phá ở Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang |
* Ông Nguyễn Lương Minh (Giám đốc TTDLST và Giáo dục môi trường thuộc Vườn QG Bidoup - Núi Bà): Làm du lịch phải xã hội hóa, phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương, công an cần niềm nở nhắc nhở chứ không thổi phạt. Để du lịch phát triển, cần có sự hợp tác, nếu chỉ hoạt động riêng lẻ sẽ khó thành công, hợp tác là các biên bản ghi nhớ để nâng cao chất lượng phục vụ, ổn định giá cả. Chẳng hạn, khách từ Công ty A đến Công ty B sẽ được giảm giá một phần dịch vụ và ngược lại để tạo nên sự liên kết. Chúng tôi đang có nhu cầu liên kết, xúc tiến với các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, săn bắn…
* Ông Võ Đức Trung - Công ty Mạo hiểm Việt: Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đa số dựa trên cảnh quan thiên nhiên có sẵn, bổ sung thêm dịch vụ… rồi bán vé, bán hàng lưu niệm và giải khát. Rất thiếu những kỹ năng tổ chức các hoạt động hậu cần liên quan đến các hoạt động ngoài trời, tạo nên không khí sôi động, trẻ trung khi du khách đến tham quan, thay vì du khách chỉ đi đi lại lại, đứng - ngồi chụp ảnh… Việc các KDL bắt chước sản phẩm của nhau, làm giảm giá dịch vụ cũng khiến môi trường du lịch thiếu đi sự hấp dẫn cần có. Các ngành chức năng cần phải quan tâm đến quy luật này để hỗ trợ đơn vị có dịch vụ mới, kiểm soát giá cả…
* Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên không thể nói riêng lữ hành, hay khách sạn, nhà hàng, khu - điểm… mà cần sự tổng hợp của các ngành và cộng đồng địa phương. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần phải nắm vững các quy định của nhà nước để bảo đảm quyền lợi của du khách và đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Doanh nghiệp hoạt động lữ hành và khu điểm du lịch cần có sự gắn kết, chia sẻ, phối hợp đạt hiệu quả tốt hơn. Các vấn đề về môi trường du lịch có thể phản ánh về Phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng.
* Ông Ngọc Lý Hiển - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT&DL): Ngoài giá trị sinh thái tự nhiên, chúng ta còn có giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Đi kèm với DLTC đều có những huyền thoại, truyền thuyết… Nếu biết vận dụng, kết hợp vào thuyết minh sẽ tạo sức hút với du khách… Đây không phải để thêu dệt, mà là tạo màu sắc và giá trị cho di tích của mình. Nếu đơn vị nào thực sự quan tâm, có thể liên hệ với Phòng Di sản của Sở VH-TT&DL để chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn…
Nhật Quân ghi
|
“Khu du lịch nằm ngay túi rác, không tạo ra rác, nhưng những năm qua, đơn vị phải bỏ ra hàng tỷ đồng nạo vét mà vẫn không xuể, phải gánh hậu quả rất nặng nề” - ông Lê Đình Thành - Phó Giám đốc KDL hồ Than Thở đã thở than không ngừng với việc đơn vị thường xuyên phải dọn dẹp rác thải từ vùng sản xuất nông nghiệp phường 12 theo suối đổ vào hồ Than Thở. Cộng thêm mùi nồng nặc từ bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật làm không khí khó chịu, nước hồ bị ô nhiễm… Thực tế đó, đã khiến nhiều hãng lữ hành bỏ điểm du lịch hồ Than Thở ra khỏi lịch trình tour của họ. Ông Đinh Văn Thức - Giám đốc Công ty Lữ hành Đà Lạt Trip, chỉ ra một thực tế đáng lo ngại khác. Đó là nhiều công trình vệ sinh tại các khu điểm du lịch rất tệ, nhất là các khu điểm ở xa thành phố. Ông Thức ví dụ cụ thể luôn là, “khu vệ sinh thác Voi và thác Pongour rất kinh khủng”… Trong khi xu hướng đi du lịch ra vùng ngoại ô đang ngày một tăng, thì việc để tồn tại những hệ thống vệ sinh kém chất lượng, tạm bợ, bốc mùi ô uế làm cho du khách không thể che giấu nổi sự khó chịu, bất bình…