Không phải ngẫu nhiên, Festival hoa lần thứ VI với chủ đề "Đà Lạt - Muôn sắc màu hoa", trong 9 chương trình chính có Chương trình về Không gian của các loại hình nghệ thuật, trong đó có sự góp mặt của tranh bút lửa - một sản phẩm nghệ thuật có bề dày ở Đà Lạt...
Tranh bút lửa “Đà Lạt sương” |
Dự kiến Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa được tổ chức tại Công viên Xuân Hương, diễn ra từ ngày 30/12/2015 đến ngày 3/1/2016. Sẽ có 160 tác phẩm được trưng bày, trong đó có 40 tác phẩm tranh bút lửa. Không gian này có 10 nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật nêu trên tham gia trình diễn.
Đơn vị tổ chức chương trình: Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Công thương, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, UBND TP Đà Lạt.
|
Chợ đêm Đà Lạt mở cửa mỗi tối ở khu trung tâm thành phố, trong không gian của các mặt hàng tiểu thủ công, hội họa và tranh, du khách tìm về với các cửa hàng tranh bút lửa. Những ngọn lửa phác họa trên thớ gỗ, chạm nên từng cảnh sắc, không gian sinh hoạt và con người dưới bàn tay khá nhuần nhuyễn của những người sáng tác. Ngọn lửa ấy làm ấm không gian và làm hồi sinh một nghề có lúc tưởng chừng đã mai một theo năm tháng.
Anh Nguyễn Khánh Hoàng tại không gian sáng tác |
* Anh Nguyễn Khánh Hoàng - người sáng tác tranh bút lửa: Tranh bút lửa đang thịnh hành trở lại. Những người vẽ tranh được quan tâm nhiều hơn và có cảm hứng sáng tạo. Làm nghề, chúng tôi không chỉ kiếm thu nhập mà còn có khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng qua Festival hoa, loại tranh này sẽ có cơ hội được công chúng biết đến rộng rãi và những người sáng tác có không gian để thể hiện mình trong dịp lễ hội lớn của Đà Lạt.
* Ông Nguyễn Chí Long - Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, Phó Ban Tổ chức Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa: Tranh bút lửa là dòng tranh có giá trị nghệ thuật đặc sắc của Đà Lạt. Dù vậy, lâu nay, những người thợ và nghệ nhân sáng tác tranh bút lửa chưa có ai là hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng. Trong dịp Festival này, Hội VH-NT tỉnh sẽ động viên, khuyến khích, tập hợp những người sáng tác loại hình tranh này tham gia trưng bày và thể hiện. Sau đó, Hội đồng Nghệ thuật của Hội VH-NT sẽ thẩm định, hỗ trợ các tác giả trong quá trình sáng tác; khi đủ điều kiện, sẽ vận động anh em gia nhập hội, trở thành hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng để có môi trường sáng tạo, thảo luận, cùng phát triển dòng tranh này. Qua đó cũng góp phần phát triển một sản phẩm du lịch của Đà Lạt.
* Chị Ái Hậu - du khách đến từ Bình Dương: Tôi biết đến tranh bút lửa từ lâu vì ông ngoại tôi từng làm nghề này ở Sài Gòn từ năm 1955 đến những năm 1990. Đến Đà Lạt, tôi mua 150 tác phẩm tranh bút lửa nho nhỏ về làm quà cho học sinh. Tôi thực sự có tình cảm sâu nặng với tranh bút lửa.
* Chị Thu Hà - du khách đến từ Hà Nội: Lúc đầu, tôi đến chợ đêm vì tò mò. Tham quan chợ, tôi bị thu hút bởi những đốm sáng từ các quầy tranh bút lửa. Phải nói rằng, ngoài một số sản phẩm na ná nhau mang tính thương mại thì có những tác phẩm tranh bút lửa rất đẹp, mộc nhưng tinh. Tôi hy vọng những người sáng tác có cơ hội thể hiện hơn nữa để phát triển dòng tranh đẹp này của Đà Lạt.
YÊN NGUYÊN (ghi)
|
Tranh bút lửa Khánh Hoàng thời gian qua đã tạo nên một thương hiệu cho Đà Lạt. Vẫn với chất liệu và cách vẽ truyền thống nhưng người thợ này đã đưa vào tranh hơi thở của thời đại với những hình ảnh mới, cách “đưa bút” rất mới. Đi vào tranh bút lửa đã có hình tĩnh vật với hình ảnh hoa - quả Đà Lạt, là cặp đôi hạnh phúc và rất “phố núi” với mũ và khăn len, là hình ảnh mô tô trên phố… Tranh bút lửa của Khánh Hoàng đồng thời vẫn lưu giữ nét truyền thống với những bức tranh Mã đáo thành công, là hình ảnh già làng đang nhả khói thuốc… Bút lửa thay cho tất cả đi vào tranh rất còn hồn. Anh từng nhận được đơn hàng 200 bức tranh bút lửa với hình ảnh giàn khoan trên biển được cách điệu bên những chú ngựa xứ cao nguyên từ một công ty dầu khí. Ngoài cửa hàng ở chợ đêm, từ cuối năm 2014, anh từng cùng một người bạn đã mở được một cửa hàng tranh bút lửa, thư pháp, sơn dầu tại một con đường trung tâm của Đà Lạt là đường Trương Công Định. Nhưng nay, với khối lượng công việc quá nhiều, Khánh Hoàng đành sang nhượng lại cửa hàng để chuyên tâm cho tranh bút lửa ở chợ đêm và những đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Tranh bút lửa giờ đây cũng đã lên trang xã hội facebook, có website giới thiệu để họa sĩ này kết nối với người yêu thể loại tranh phảng phất nét cổ xưa, sương núi.
Chân dung du khách nước ngoài trong tranh bút lửa |
Khắc phục khó khăn về nguyên liệu, giới chạm tranh bút lửa đã đa dạng hóa chất liệu gỗ để thỏa mãn ước mơ được vẽ, không chỉ là gỗ bạch tùng mà còn có gỗ me, gỗ lọng mứt, gỗ xá xị… Vẫn với ngòi bút tự chế, những bàn tay người thợ đôi lúc chai sần trên thớ gỗ và độ nóng của bút lửa, cùng làm sống lại một dòng tranh đặc sắc.
Hồn dân tộc vào tranh |