Nắng cuối ngày ở New Delhi đượm màu mật ong thật đẹp, ngồi trên xe tuk tuk trên đường về khách sạn tôi nhoài người chụp vội con phố nhỏ, cảm thấy tiếng kêu màn trập hơi khác thường, tôi xem lại thì thấy một vệt đen mờ xuất hiện ở cạnh trên khung hình, lại chụp và lại xem: vẫn thế! Chính xác là màn trập có vấn đề! Vậy đó, đêm đầu tiên ở New Delhi thật lạc lõng và nhiều lo lắng!
Nắng cuối ngày ở New Delhi đượm màu mật ong thật đẹp, ngồi trên xe tuk tuk trên đường về khách sạn tôi nhoài người chụp vội con phố nhỏ, cảm thấy tiếng kêu màn trập hơi khác thường, tôi xem lại thì thấy một vệt đen mờ xuất hiện ở cạnh trên khung hình, lại chụp và lại xem: vẫn thế! Chính xác là màn trập có vấn đề! Vậy đó, đêm đầu tiên ở New Delhi thật lạc lõng và nhiều lo lắng!
New Delhi
Vẫn còn may mắn khi New Delhi có tiệm sửa máy ảnh, sau khi được cụ gu gồ hướng dẫn cặn kẽ, 7:00 sáng tôi đã có mặt ở đường Esplanade, tín hiệu lạc quan đầu tiên đó là có rất nhiều bảng hiệu “Camera shop”, nhưng tất cả vẫn cửa kín then cài, sau tôi mới biết hàng quán khu này chỉ hoạt động từ… 10:00AM (tôi đã book vé xe lửa đi Agra chuyến 13:00), lỡ theo lao rồi, thôi thì cứ tạt qua Nhà thờ Hồi giáo Jama Masjid làm mấy shots trong khi chờ đợi… (để giải quyết cái viền đen khốn khổ ấy, tôi phải chuyển qua chế độ DX để trừ hao”.
Theo dõi các chủ tiệm máy ảnh tôi nhận ra hầu hết đều đem máy đến sửa chữa tại một cửa hàng bé nhỏ, lọt thỏm trong một khu phố sầm uất, bác thợ cả sau khi săm soi thì ra giá 100$, hai tiếng sau ghé lấy (các nơi khác đều hét từ 200$ trở lên)… Đúng ngọ tôi quay lại, thấy bác đang đứng như trời trồng ngoài nắng, săm soi một mớ bùi nhùi trong chiếc khay cáu bẩn, khi tôi rón rén hỏi xin lấy máy ảnh thì bác làu bàu:
“Chưa xong! Anh đi đi, hai tiếng nữa quay lại, anh ở đây tôi mất tập trung không làm việc được!”.
“Thế sửa đến đâu rồi ạ?”.
“Đây, vẫn đang làm!”, bác chỉ vào mớ bùi nhùi trên khay, hóa ra đó chính là con D700 thân yêu của tôi.
“Sao bác không làm bên trong cho đỡ bụi?”.
“Cúp điện!!!”.
Thêm hai lần hẹn nữa cuối cùng cũng xong, nhìn lại thì đã 15:00, hụt chuyến xe lửa, tôi quyết định mua vé qua văn phòng du lịch, tiếp đón tôi là hai thanh niên mày râu nhẵn nhụi trông rất thân thiện! Biết tôi cần phải đi Agra bằng mọi giá, họ mở trang web đăng ký vé xe lửa và chỉ tôi xem hai chỗ cuối cùng trong ngày với giá… trên trời kèm theo một điều kiện; tới Agra phải theo tour của họ, đến nước này thì bái bai thôi, vậy là họ tiễn tôi với giọng hằn học “Đừng hòng đến Agra trong hôm nay!”.
...Tôi quyết định ra quốc lộ, thấy xe nào đi về hướng Agra là ngoắc lấy ngoắc để, sau cùng cũng có một chiếc xe khách chịu dừng lại, tôi leo lên mà ngỡ như đang trở về thời bao cấp xa xưa; chiếc xe cũ kỹ với đủ chủng loại hàng hóa, hành khách nam phụ lão ấu và đương nhiên không thể thiếu các loại gia cầm, nắng chiều qua làn bụi và khói thuốc vẽ nên những tia sáng rẻ quạt long lanh, nhưng thôi, tốt nhất cứ để cho máy móc dưỡng thương cái đã… cuối cùng tôi cũng đến Agra sau 6 tiếng dằn xóc, rã rời nhưng nhẹ nhõm, chí ít thì sáng hôm sau là tôi có thể tung tăng ở Taj Mahal huyền thoại rồi.
Taj Mahal, giọt lệ thời gian
Với một đất nước có quá nhiều di sản thế giới như Ấn Độ thì không thể nào có đủ thời gian để chiêm nghiệm và cảm nhận hết chỉ trong một hành trình, nhưng có một nơi mà nếu không đi thì xem như chưa đến Ấn Độ; Taj Mahal, biểu tượng của miền đất huyền thoại và của tình yêu vĩnh cửu.
Soi bóng bên dòng Yamuna hiền hòa, Taj Mahal, quần thể lăng mộ bằng cẩm thạch trắng được vua Shah Jahan, triều đại Mughal xây dựng (1631-1648) để tưởng nhớ hoàng hậu Mumtaz Mahal.
Lối đi qua cổng chính, được thiết kế 3 tầng bằng đá sa thạch mái vòm hình bát giác, dẫn vào khu vườn cảnh mang phong cách Mughal cổ điển; xen lẫn giữa những thảm hoa là hồ nước cẩm thạch với đài phun nước được đặt theo một trục đồng tâm, tạo thành một bố cục đối xứng hài hòa, và tận cùng của màu nước xanh ngọc mát rượi đó là Taj Mahal lung linh phản chiếu.
Sừng sững trên nền móng được lát bằng sa thạch, đan xen giữa hai màu sáng tối với những họa tiết vuông vức, cân đối, ngôi đền Taj Mahal bằng cẩm thạch trắng Makrana, là một trong những kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Mughal; kết hợp giữa phong cách Ba Tư, Ấn Độ và kiến trúc Hồi Giáo. Trong đó, mái vòm cao 44m được cho là tác phẩm để đời của kiến trúc sư Ismail Afandi.
Sử dụng chất liệu sa thạch và cẩm thạch không chỉ là lựa chọn tối ưu về chất liệu, mà còn mang tính biểu trưng cho giai cấp thống trị thời kỳ Mughal; cẩm thạch trắng thường dùng để xây dựng cho các giáo sĩ Bà La Môn, trong khi sa thạch lại được sử dụng cho tướng lĩnh, những tầng lớp đứng đầu trong chính thể thời đó.
Từ pháo đài Agra nhìn qua, màu trắng tinh khiết của Taj Mahal như một tấm gương, luôn phản chiếu những thời khắc đẹp nhất của mỗi ngày, từ ánh vàng rực rỡ lúc bình minh cho đến sắc tím của hoàng hôn và lung linh ánh bạc vào những đêm trăng tròn, được triết gia Rabindranath Tagore so sánh như “giọt lệ trên đôi má thời gian”.
|
Pháo đài Jama Masjid |
|
Tòa nhà Hoa Sen, New Delhi |
|
Xe tuk tuk ở New Delhi |
|
Công trình này được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu của Hoàng đế Shah Jahan |
Bài và ảnh: LÝ HOÀNG LONG