Trà Vinh và Vĩnh Long nối nhau ở cuối cù lao giữa hai dòng sông Cổ Chiên và sông Hậu. Trong khi Trà Vinh ở cửa biển, là vùng ngập mặn; thì Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, không có biển, không có biên giới.
Trà Vinh và Vĩnh Long nối nhau ở cuối cù lao giữa hai dòng sông Cổ Chiên và sông Hậu. Trong khi Trà Vinh ở cửa biển, là vùng ngập mặn; thì Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, không có biển, không có biên giới. Du lịch kết hợp của hai địa phương tạo nên khác biệt giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với những điều thú vị không giống du lịch vùng biển hay miền núi.
|
Chùa Âng có kiến trúc khá độc đáo với 3 lớp tường rào và hồ nước bao quanh, cảnh sắc thiên nhiên trong lành, thanh tịnh. Ảnh: N.Quân |
Trà Vinh - vùng đất của những ngôi chùa cổ
Trà Vinh thích hợp với các loại cây đặc trưng của vùng ngập mặn, như bần, đước, mắm, dừa nước, chà là… Thú vị hơn, thành phố Trà Vinh được ví là Đà Lạt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vì có nhiều cây cổ thụ (cây sao và cây dầu), tạo nên không khí mát mẻ, hài hòa… Trà Vinh là nơi có đông người Khmer sinh sống thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như Việt Nam (chiếm 30% dân số), chỉ sau Sóc Trăng.
Đời sống văn hóa, tâm linh của người Khmer được thể hiện rõ nhất qua kiến trúc của các ngôi chùa, với sự giao hòa, kết hợp giữa Phật giáo và Bà la môn giáo. Ở các góc mái chùa đều có tạo hình con rắn, các đầu cột chống ở 4 góc là tượng chim thần, còn các đầu cột chống khác là tượng nữ thần. Trong đó, Chùa Âng là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa chiền của người Khmer, nằm trong khuôn viên khu du lịch đang được quy hoạch Ao Bà Om.
Điểm du lịch Ao Bà Om đang trình Chính phủ phê duyệt là Điểm du lịch quốc gia, trong đó có dự án xây dựng làng Văn hóa Khmer. Ngoài ra, Trà Vinh còn có nhiều di tích thắng cảnh khác, như biển Ba Động, Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh. Đặc biệt, chỉ có ở Trà Vinh mới trồng được giống dừa cho trái dừa sáp ở huyện Cầu Kè, là trái dừa không có nhiều nước, cơm dừa dày, mềm, đặc, dẻo. Mỗi quầy dừa khoảng 10 trái nhưng nhiều nhất chỉ 2-3 trái có sáp. Một trái dừa sáp ở Trà Vinh có giá 100.000-190.000 đồng, được coi là loại dừa đắt nhất Việt Nam.
Vĩnh Long - homestay miệt vườn đạt chuẩn ASEAN
Vĩnh Long có địa hình khá bằng phẳng, được phù sa của hai sông lớn bồi đắp hàng năm, nên thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn trái cũng như các loại hình du lịch sông nước. Hầu như các điểm đến thú vị ở Vĩnh Long đều phải di chuyển trên sông nước và rất thu hút du khách là người ngoại quốc. Cơ sở sản xuất cốm kẹo Cửu Long là một ví dụ. Cơ sở do Công ty Cổ phần Du lịch Cửu Long mời nghệ nhân các nghề làm bánh cốm, làm kẹo dừa, bánh tráng, đan lát… tập trung tại một điểm vừa sản xuất, trưng bày sản phẩm, bán hàng…
Hay, cụm homestay xã Hòa Ninh (Tổ 12, ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu “Homestay đạt chuẩn ASEAN” năm 2017-2019. Đây là khu lưu trú gồm những ngôi nhà xưa được trùng tu lại, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách kiểu nhà miền Tây Nam Bộ những năm 1950, với hàng rào hoa kiểng trước hiên, sân gạch tàu, vách gỗ, mái ngói, bàn thờ gia tiên… nép mình bên dòng sông hay kênh rạch và vườn cây trái xanh mát. Homestay có nhiều không gian chung để khách tương tác với nhau và với chủ nhà, đất vườn xung quanh là nơi du khách tự trồng tỉa. Du khách cũng có thể dùng xe đạp chạy quanh làng tìm hiểu, trò chuyện với dân địa phương.
|
Cảnh sông nước hữu tình ở Trà Vinh. Ảnh: N.Quân |
Đặc trưng của du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long là sông nước miệt vườn, với nhiều trò chơi dân gian, như chèo thuyền, đi cầu khỉ, bắt cá, đu dây lội nước, hái trái cây, vườn cò, sân chim… Các món ăn đặc sản vùng sông nước vô cùng phong phú, như cá, tôm, cua, chim, chuột… được chế biến thành các món nướng, lẩu, hấp, chiên… bao chất, lạ và khác biệt. Vùng sông nước sẽ càng vui hơn nếu trúng mùa lễ hội, như Lễ hội Ok Om Bok - Lễ hội có quy mô lớn nhất miền Tây của đồng bào Khmer, Lễ hội đua ghe, Lễ hội đua bò, Lễ hội dừa…
NHẬT QUÂN