Từ hồ Xuân Hương đến hồ Hoàn Kiếm

08:10, 18/10/2018

Thu thao thiết với đất trời Hà Nội. Rộn ràng 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018)… Hà hít gió lộng cao nguyên của hồ Xuân Hương, Ðà Lạt, tôi trở lại đất Thăng Long, để được thêm một lần tản bộ, chiêm nghiệm, bâng khuâng cùng hồ Hoàn Kiếm…

Thu thao thiết với đất trời Hà Nội. Rộn ràng 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018)… Hà hít gió lộng cao nguyên của hồ Xuân Hương, Ðà Lạt, tôi trở lại đất Thăng Long, để được thêm một lần tản bộ, chiêm nghiệm, bâng khuâng cùng hồ Hoàn Kiếm…
 
Hồ Xuân Hương, Đà Lạt. Ảnh: M.Đ
Hồ Xuân Hương, Đà Lạt. Ảnh: M.Đ

Hà Nội có nhiều hồ nổi tiếng. Riêng nội thành, có hồ Tây, hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu... Hồ Gươm ở trung tâm, là “trái tim” của thành phố như hồ Xuân Hương của Đà Lạt. Nơi đây còn gắn nhiều huyền sử và lịch sử. Ai cũng mong được đếm nhịp chân mình trên cầu Thê Húc, vào chiêm bái đền Ngọc Sơn và ngắm vẻ đẹp cổ kính của Tháp Rùa giữa lòng hồ. Tôi may mắn đến với Hồ Gươm từ 42 năm trước và hôm nay trở lại với chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi nhớ đến hội thảo khoa học về quy hoạch đô thị thành phố Đà Lạt cuối năm 2017. Trong nhiều đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, có nhận xét về hồ Xuân Hương của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. KTS Chính khẳng định, ở Việt Nam, chỉ có thành phố Hà Nội và thành phố Đà Lạt có hồ lớn và đẹp nằm ngay giữa trung tâm của thành phố là giá trị rất đặc biệt, rất cần được gìn giữ…  
 
Vâng, cả Xuân Hương và Hoàn Kiếm đều là hồ nước ngọt tự nhiên; hình thành từ sông, suối. Hồ Hoàn Kiếm là phân lưu sông Hồng, hình thành từ 6 thế kỷ trước, còn hồ Xuân Hương là hạ lưu của suối Cam Ly, bắt nguồn từ núi LangBiang. So với mực nước biển, hồ Hoàn Kiếm cách khoảng 10 mét, còn hồ Xuân Hương cách tới 1.478 mét. Hồ Xuân Hương có diện tích khoảng 32 ha, chu vi hơn 6.000 m và độ sâu trung bình 1,5 m; còn Hoàn Kiếm chỉ gần 12 ha, chu vi hơn 1.700 m, độ sâu từ 1,0-1,4 m. 
 
Theo bản đồ Hà Nội năm 1886, hồ Hoàn Kiếm còn gọi là hồ Hoàn Gươm (Lac de Hoan Guom) - Hồ Gươm, gắn với truyền thuyết huyền sử vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa Thần ở hồ sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt vào thế kỷ thứ 15. Có một thời, hồ này còn có các tên Lục Thủy, vì nước có màu xanh quanh năm, Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh). Thời Lê mạt, hồ có Tả Vọng và Hữu Vọng… Là đất văn hiến ngàn năm, gắn địa danh thủ đô quốc gia, hồ Hoàn Kiếm có nhiều công trình kiến trúc lịch sử: Tháp Bút (có 3 chữ “tả thanh thiên” - viết lên trời xanh); cầu Thê Húc (nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm); đền Ngọc Sơn... Và đặc biệt Tháp Rùa - Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa) được xây dựng khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, với 3 tầng và tầng đỉnh. Hồ Hoàn Kiếm vì vậy gắn với không gian lịch sử văn hóa của nhiều cung bậc.   
 
Nằm trên cao nguyên Trung phần, suối Cam Ly gắn với đời sống cư dân bản địa K’Ho Lạch. Năm 1919, từ sáng kiến của công sứ Cunhac, kỹ sư công chánh Labbé tiến hành ngăn dòng suối làm thành hồ và đến năm 1923 thì hồ hoàn thành. Người Pháp đặt tên là Grand Lac (Hồ Lớn). Nếu Tháp Rùa xây dựng ở vị trí trung tâm hồ Hoàn Kiếm với nhiều ô cửa lớn, lừng lững giữa đảo nhỏ, thì ở hồ Xuân Hương có công trình Thủy Tạ cạnh đảo, nằm trên nước (Thủy tọa); xinh xắn, cá biệt, có lan can như bệ nhảy xuống nước ở hồ bơi. Người Pháp từng gọi Thủy Tạ là “La Grenouillère” (đầm ếch), nhưng đến nay chưa cắt nghĩa được danh xưng này. Thủy Tạ một màu trắng, nhìn từ xa, như một du thuyền sang trọng, bồng bềnh nên thơ… 
 
Từ Hoàn Kiếm, Hà Nội, tôi gọi điện chia sẻ niềm vui với kiến trúc sư, thạc sĩ Trần Đức Lộc. Là người có nhiều công lao và tâm huyết về quy hoạch đô thị thành phố Đà Lạt, anh Lộc so sánh say sưa và không giấu sự tự hào: Vậy mình chia sẻ cho Đạo mấy thông tin này nhé. Hồ Hoàn Kiếm bị công trình xây dựng xây cất sát và vây quanh hồ, do đó, Tháp Rùa không có “khoảng thở”. Lại ít cây xanh và thảm cỏ xanh quanh hồ. Do đó, background (phông, nền) của hồ rất hạn chế. Còn hồ Xuân Hương nhiều ưu thế vượt trội: có nhiều mảng xanh của thông và cỏ quanh hồ; khoảng đất quanh hồ rộng, người ta có thể lùi ra xa để ngắm hồ và “khoảng thở” cho Thủy Tạ hết sức khoáng đạt… “Tuy cùng ở trung tâm thành phố nhưng hồ Hoàn Kiếm gắn với lịch sử, hồ đô thị chứ không phải là hồ cảnh quan như hồ Xuân Hương”, anh Lộc không giấu cảm xúc vui vì là công dân Đà Lạt. Hòa theo dòng xúc cảm đó, tôi đề nghị kiến trúc sư Trần Đức Lộc góp ý kiến để bảo tồn và phát huy giá trị thắng cảnh của hồ Xuân Hương. Anh Lộc chân tình: Cần hạn chế xây dựng các công trình sát hồ, đối với công trình hiện hữu như Nhà Văn hóa Lao động cần trồng thông nhiều cây cao để tạo mảng xanh lớn. Đó nữa là, cần làm những nơi trú cơn mưa bất chợt, (dĩ nhiên là rất thấp và gọn) cho người đi bộ quanh hồ. Rất cần khuyến cáo mọi người không xả rác xuống hồ. Tôi thầm cảm ơn kiến trúc sư Trần Đức Lộc, dẫu sao cũng là cư dân của thành phố sương mù đã 30 năm…
 
Đứng trên cầu Thê Húc, tôi nghĩ về những hoạt động quanh hồ Hoàn Kiếm: phố đi bộ, các trò chơi dân gian, những không gian hoài niệm như nặn và bán tò he, bán đèn ông sao, gánh hàng rong đặc sản của nền văn minh sông Hồng,… Và những hoạt động âm nhạc đường phố đậm chất châu Âu, lắng sâu tinh túy văn hóa truyền thống Việt Nam… Tôi mong sẽ phát huy được ở bờ hồ Xuân Hương. Xuân Hương vốn rất lãng mạn từ cái danh xưng, còn mang nhiều đặc sắc khu biệt: những sương khói từ mặt hồ, những hoa cỏ và hoa Anh đào quanh hồ, những rì rào thông reo, mây trời soi bóng…Kế bên là đồi Cù rộng 65 ha, cách hơn một chút là ngút ngàn thông xanh của rừng Ân Ái (Bois d’Amour) và xa kia - hùng vĩ và huyền thoại của dãy núi LangBiang…
 
Tôi kết thúc bài tản mạn này bằng những vần thơ đã truyền lưu nhiều thế hệ. “Hà Nội có Hồ Gươm/Nước xanh như pha mực/Bên hồ ngọn Tháp Bút/Viết thơ lên trời cao” (Trần Đăng Khoa, 1969). Và hồ Xuân Hương: “Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới nước đáy hồ reo/Để nghe tơ liễu run trong gió/Và để nghe trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, 1933).
 
Tản mạn: MINH ÐẠO