Rời thị trấn Lạc Dương nhộn nhịp, anh Nguyễn Thư Bính và vợ chuyển vào buôn Đạ Blah, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương dựng nhà gỗ mở homestay đón khách du lịch. Đây là cơ sở lưu trú tại nhà dân đầu tiên trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Rời thị trấn Lạc Dương nhộn nhịp, anh Nguyễn Thư Bính và vợ chuyển vào buôn Đạ Blah, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương dựng nhà gỗ mở homestay đón khách du lịch. Đây là cơ sở lưu trú tại nhà dân đầu tiên trên địa bàn huyện Lạc Dương.
|
Khung cảnh yên bình của căn nhà gỗ dành cho du khách. Ảnh: Đ.K |
Nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 km trên Quốc lộ 27C nối hoa và biển, dãy nhà gỗ nhỏ xinh nằm giữa buôn K'Ho Đạ Blah với bảng hiệu “Đạ Blah homestay” vừa xa lạ cũng gần gũi. Người dân thấy lạ bởi từ trước tới nay trong vùng chưa từng xuất hiện mô hình nào như thế này, còn quen cũng bởi những nhà gỗ giản dị như bao ngôi nhà trong buôn, hòa hợp với không gian xung quanh. Dãy nhà gỗ gồm ba căn, với khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cùng lúc cho gần 20 người và được trang bị đầy đủ thiết bị cơ bản phục vụ cho khách ở lại.
Anh Nguyễn Thư Bính (32 tuổi), chủ nhân dãy nhà gỗ cho biết, trước kia, gia đình anh sinh sống tại thị trấn Lạc Dương, do điều kiện công việc nên gia đình chuyển vào Đa Nhim để vợ anh thuận lợi trong công việc. Với vợ chồng trẻ, ban đầu thấy khu ở mới của gia đình toàn nhà gỗ nên vợ chồng anh chỉ có ý định dựng nhà gỗ để ở nhưng sau đó xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương có nhiều cảnh đẹp, được những người đam mê chụp ảnh thường xuyên lui tới “săn ảnh”, chủ yếu là từ rất sớm nên anh chị nảy ra ý tưởng mở loại hình lưu trú để khách có thể ở từ ngày hôm trước, sáng hôm sau vừa ngủ dậy là có thể bật máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp của vùng rừng núi Đa Nhim, Đa Chais.
"Thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách, nhất là khách quốc tế khá nhiều nên tôi mạnh dạn làm thêm ba ngôi nhà gỗ bên sườn đồi để đón khách" - anh Bính chia sẻ.
Từ đó, những công trình xung quanh nhà được chủ nhân homestay chăm chút hơn, thậm chí đường trong buôn cũng được anh chị đi vận động cùng bà con dọn dẹp để cải thiện môi trường sống.
Trong một dịp tình cờ gặp và quen vợ chồng anh Andrew Paul Galliene (đến từ Vương quốc Anh) tại Đạ Blah, chúng tôi được biết vợ chồng anh Andrew đang thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt. “Ban đầu chúng tôi chỉ định nghỉ chân qua đêm để tiếp tục hành trình nhưng sau khi được chủ homestay giới thiệu những nét văn hóa của người dân bản địa, chúng tôi quyết định ở lại thêm vài ngày để tìm hiểu đời sống người dân trong vùng”, anh Andrew tâm sự. Theo anh Bính, không chỉ tìm hiểu văn hóa, vào mùa hồng trái khách được trải nghiệm hái hồng và các công đoạn làm hồng giòn, mùa cà phê được trải nghiệm hái cà phê và uống cà phê tại vườn, mùa mai anh đào khách sẽ lạc vào xứ hoa dọc theo hai bên đường con đường thôn...
“Có hôm gần 23 giờ có hai bạn trẻ đi phượt bằng xe máy từ Thừa Thiên Huế lên Đà Lạt, khi đến Đa Nhim trời khuya nên không tiếp tục hành trình. Đôi bạn trẻ sau khi gọi điện hỏi thuê phòng đã vào ở trong bộ dạng lạnh tái vì đi giữa đêm đường rừng vượt đèo”, anh Bính nhớ lại.
Khi làm dịch vụ du lịch, bất kể ai cũng đều mong muốn khách quay trở lại lần hai, lần ba, thậm chí là ở thường xuyên. Chị Giang cho biết, có trường hợp một nhà nghiên cứu thực vật người Anh sau khi rời đi đã quay trở lại ở “dài hạn” để tìm hiểu thảm thực vật trong khu vực. Ở đây gần Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang nên nhiều người ưa khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học đã tìm đến, nhất là các nhà nghiên cứu quốc tế. Người ta sẽ rời đi sau khi hoàn thành công việc nhưng vừa kết hợp công việc, vừa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa cũng là cách đưa vùng đất này đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.
Theo UBND huyện Lạc Dương, do một số yếu tố nên hiện nay trên địa bàn huyện hiện chưa phát triển nhiều mô hình homestay, homestay Đạ Blah là mô hình đầu tiên được công nhận đủ điều kiện đón khách du lịch trên địa bàn. Còn theo chủ nhân của homestay đầu tiên trong vùng, sắp tới họ sẽ tiếp tục mở rộng thêm một số căn nhà gỗ và từng bước “chuyên nghiệp” hơn nữa trong chất lượng dịch vụ để du khách thoải mái nhất khi đến với vùng Đa Nhim.
ĐOÀN KIÊN