Một ngày trên đảo Lý Sơn

09:06, 20/06/2019

Một ngày cùng đồng nghiệp báo chí xứ ngàn hoa trải nghiệm khám phá đảo Lý Sơn bằng ô tô, chúng tôi cố thu vào tầm mắt khung cảnh lướt qua ô cửa kính và dừng lại đi bộ, tìm hiểu, cảm nhận, càng thêm tự hào về vẻ đẹp từ thiên nhiên kỳ thú, cùng lịch sử bi tráng của không chỉ vùng đất này mà còn của cả dân tộc Việt Nam. 

Một ngày cùng đồng nghiệp báo chí xứ ngàn hoa trải nghiệm khám phá đảo Lý Sơn bằng ô tô, chúng tôi cố thu vào tầm mắt khung cảnh lướt qua ô cửa kính và dừng lại đi bộ, tìm hiểu, cảm nhận, càng thêm tự hào về vẻ đẹp từ thiên nhiên kỳ thú, cùng lịch sử bi tráng của không chỉ vùng đất này mà còn của cả dân tộc Việt Nam. 
 
Du khách đón hoàng hôn trên Cổng Tò Vò
Du khách đón hoàng hôn trên Cổng Tò Vò
Quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa
 
Sáng sớm, từ nhà ga cảng Sa Kỳ, chúng tôi đi tàu siêu tốc đến đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý. Qua tìm hiểu được biết vào đầu năm 2017, khi chiếc tàu khách siêu tốc đầu tiên mang tên Chín Nghĩa 03 có thời gian di chuyển bằng 1/2 thời gian so với tàu cao tốc (khoảng 35 phút/chuyến) được đưa vào hoạt động, thì lịch sử đi lại của Lý Sơn với đất liền đã đánh dấu một bước ngoặt mới nối đảo gần bờ hơn. Đến nay, có 7 chiếc tàu siêu tốc đang hoạt động tại tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, sự ra đời của tàu khách siêu tốc dẫn đến gần như toàn bộ số tàu khách cao tốc mới đi vào hoạt động vài năm phải neo bờ, vì bị khách chê chạy chậm nên không đi. 
 
Đặt chân lên cầu tàu đảo Lý Sơn, các đồng nghiệp đã nhanh chóng chụp vài bức ảnh lưu niệm bên chiếc tàu siêu tốc mang tên Super Biển Đông, rồi di chuyển lên ô tô. Trên xe, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu về Lý Sơn qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi tình nguyện làm hướng dẫn viên. Với diện tích huyện đảo khoảng 10 km², dân số 22.000 người, Lý Sơn bao gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, hoặc còn gọi là cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi). Từ cuối năm 2014, Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm vượt biển cung cấp điện lưới quốc gia cho đảo Lớn, góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo, kèm theo các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển và đầu năm 2016, điện cũng đã về với hơn 100 hộ dân trên đảo Bé; huyện đảo đang hướng tới là một đảo du lịch trong tương lai.
 
Điểm đến đầu tiên của cánh nhà báo chúng tôi là quần thể Khu Di tích lịch sử Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, cảm giác thật thiêng liêng khi lần đầu tiên chúng tôi đứng trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, mô tả hình ảnh các binh phu trong tư thế lên đường thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Cụm tượng đài gồm 3 nhân vật đều cao 4,5 m, nặng 40 tấn, trong đó có vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Sau lưng tượng đài uy nguy khắc dòng chữ “Bản quốc Hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (Quần đảo Hoàng Sa là nơi cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia). Vào trong khu vực Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Chúng tôi tham quan các gian trưng bày tư liệu, bản đồ trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
 
Từ đây, chúng tôi biết được lịch sử Lý Sơn, Tịnh Kỳ là quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa. Qua kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học, cách đây khoảng 2.500 năm - 3.000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Kế tục theo cư dân văn hóa Sa Huỳnh là cư dân văn hóa Chămpa phát triển từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đến đầu thế kỷ 17, người Việt mới bắt đầu tiến ra khai khẩn. Họ là những ngư dân của vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn trong đất liền đã ra khai khẩn tại vùng đảo này. 
 
Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã lập ra một đội chuyên trách do nhà nước quản lý, đội này được gọi là Đội hùng binh Hoàng Sa. Hàng năm, cử một đội gồm 70 người ra Hoàng Sa để đánh bắt và thu lượm hải sản quý hiếm mang về dâng nộp; bắt đầu từ tháng 2 là ra đi, nơi xuất phát tại cửa biển Sa Kỳ, đến tháng 8 trở về tại cửa biển Thuận An (Huế) và vào thành Phú Xuân để giao nộp cho vua, rồi cả đội trở về quê nhà. Chức năng của đội Hoàng Sa ban đầu chỉ là khai thác sản vật, về sau họ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ là đo đặc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền. 
 
Trên đảo Lý Sơn có bốn di tích quốc gia: Đình làng An Vĩnh (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa); Đình làng An Hải; Âm Linh Tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối hợp thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa); Chùa Hang. Trong đó, tại Âm Linh Tự là nơi diễn ra lễ “Khao lề thế lính”, một lễ hội có lịch sử 400 năm để tưởng nhớ công lao của những binh phu Hoàng Sa một đi không trở về, được duy trì vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Thời gian đầu khi mới thành lập Đội Hoàng Sa, cứ hàng năm, người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Hầu như các binh phu Hoàng Sa một đi không trở về nên người thân của họ chỉ đắp mộ chiêu hồn hay còn gọi là “mộ gió”. Những người lính Hoàng Sa xác định đi không trở về, nên trước khi đi mỗi người đều chuẩn bị sẵn cho mình một đôi chiếu, nẹp tre, dây mây và thẻ tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để bó xác, nẹp tre dùng để nẹp lấy dây mây quấn lại, còn thẻ tre ghi phiên hiệu, quê quán của người mất kẹp vào bó xác được đồng đội thả xuống biển khơi. Trong lễ hội này, luôn có cảnh thả thuyền giấy ra biển, ngụ ý mãi duy trì việc ra biển như trước, người dân còn đi đắp lại và dọn các ngôi “mộ gió” của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa.
 
Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải
Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải
Rong chơi trên miền trầm tích núi lửa 
 
Chúng tôi đến thắng cảnh Chùa Hang, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên đảo mang dấu ấn rõ nét của nham thạch. Theo lịch sử hình thành đảo Lý Sơn do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa cách ngày nay khoảng 25 - 30 triệu năm, hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng. Hiện nay, trên đảo vẫn còn 5 miệng núi lửa với 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính, cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo. Chùa Hang còn gọi là “Thiên khổng thạch tự” nằm bên dưới vách núi Thới Lới, thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết về chùa Hang “…Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phường ẩn nấp ở đây”. Chùa Hang có nguồn gốc là ngôi đền của người Chămpa thờ các vị thần Bà la môn, sau này khi người Việt đến khai phá vùng đất Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII, chùa thành nơi tu tiên và sau này thành nơi thờ Phật. Chùa Hang có chiều sâu 24 m, bề rộng 20 m, chiều cao 3,5 m, diện tích 480 m2. Trong chùa có nhiều ban thờ được làm bằng đá, bệ đá Chăm, thờ Phật, Quan thánh, Thập nhị Diêm vương, các vị tổ họ Trần có công lập Chùa Hang và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Chùa Hang là một thắng cảnh tiêu biểu ở Lý Sơn, đến đây tham quan có thể giúp du khách hiểu sâu về lịch sử thiên nhiên, con người của vùng đất này. Trước Chùa Hang là cụm cây bàng cổ thụ xõa bóng mát, một bên là vách đá sừng sững nhô ra biển, nơi nhiều du khách thích thú lội xuống nước biển trong vắt để cảm nhận vẻ đẹp giao hòa sơn thủy hữu tình.
 
Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi trải nghiệm sự mạo hiểm trên đỉnh núi lửa Thới Lới với độ cao cách mực nước biển 170 mét, đây là đỉnh núi có niên đại hàng triệu năm trên đảo Lý Sơn. Từ đây, phóng tầm mắt bốn phương tám hướng bao quát cả Lý Sơn, chúng tôi thấy rõ hình hài của miệng núi lửa mà không cần Flycam, thu trọn vào tầm mắt đảo Bé, nơi khách du lịch muốn khám phá phải mất 1 ngày mới đủ thời gian để tắm biển nước trong vắt và tham quan những rạng đá ngầm, ngắm san hô theo như lời giới thiệu của chị đồng nghiệp kiêm hướng dẫn viên.
 
Điểm cuối cùng trong ngày, chúng tôi đến chiêm ngưỡng một kiệt tác của tạo hóa trên đảo đó là Cổng Tò Vò (còn gọi là Cổng Thiên Đường), cao khoảng 2,5 m, có hình thù độc đáo từ tạo tác của thiên nhiên sau cơn phẫn nộ của núi lửa phun trào. Đây là điểm đông du khách nhất trên đảo mà chúng tôi thấy, khách khắp mọi miền đổ về đây cùng ngắm sắc màu lung linh kỳ ảo của hoàng hôn, quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, nhấp nhô trong làn nước trong veo. Thời điểm chúng tôi đến Cổng Tò Vò là dịp rằm, nên quan sát được vẻ đẹp của cả mặt trăng và mặt trời cùng hiện diện trên bầu trời. Khung cảnh thu hút người xem thích thú, cảm nhận sự dịu dàng của mặt trăng pha lẫn sự rực rỡ cháy hết mình của ánh mặt trời trong ngày trước khi vụt tắt, chỉ có thể nói vẻ đẹp ở Cổng Tò Vò đem lại cho con người niềm vui khó tả.
 
Trước đó, chúng tôi đi tìm vườn tỏi Lý Sơn nhưng không thấy nên vào tận vựa tỏi ở nhà dân để biết vì sao huyện đảo này được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Chủ vựa mời chúng tôi thưởng thức món tỏi đen mồ côi tự làm có giá 4,5 triệu đồng/kg vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt; với tỏi đen loại bình thường khoảng 700 ngàn đồng/kg; còn tỏi tươi loại tỏi mồ côi 1,2 triệu đồng/kg; tỏi thường có 3 tép giá 120 ngàn đồng/kg và tỏi bình thường có giá khoảng 100 ngàn đồng/kg. Chủ vựa tỏi cho biết để có được những củ tỏi này, người dân trên đảo phải trồng tỏi qua xử lý 7 lớp đất quả là nhọc nhằn và kỳ công… Thời điểm chúng tôi đến Lý Sơn không phải là mùa tỏi, còn những vạt bắp (ngô) đã đến kỳ thu hoạch ngả màu vàng óng, chúng tôi đến thăm những cánh đồng xanh màu hành lá và lạc (đậu phụng). Trong bữa ăn tối, một cán bộ huyện đảo Lý Sơn cho biết, người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi, họ không thích ăn thịt nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không phổ biến và dân đảo có thói quen ăn hải sản không ướp lạnh. Chúng tôi thưởng thức các món hải sản tươi ngon và các đặc sản như: gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn, rong nho; cháo, chả nhum (cầu gai), một loại cá mang tên Tà ma... trong sự đón tiếp nồng hậu và chia tay lưu luyến của người xứ đảo tiền tiêu.
 
Ghi chép: DIỆU HIỀN