Nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Ðồng, PGS, TS. Nguyễn Mộng Sinh bày tỏ cảm xúc tâm đắc với tôi về Khu Di tích danh thắng Tràng Kênh - Bạch Ðằng Giang ở thành phố Hải Phòng: "Quả là địa chỉ rất xứng đáng để đến đối với du khách...
Nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Ðồng, PGS, TS. Nguyễn Mộng Sinh bày tỏ cảm xúc tâm đắc với tôi về Khu Di tích danh thắng Tràng Kênh - Bạch Ðằng Giang ở thành phố Hải Phòng: “Quả là địa chỉ rất xứng đáng để đến đối với du khách. Ở đây vừa là di tích lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam ta ngày xưa đánh giặc bảo vệ đất nước và vừa là địa chỉ văn hóa - tâm linh ấn tượng, từ địa thế cảnh quan đến môi trường”.
|
Bãi cọc trận thủy chiến được phục dựng lại. Ảnh: M.Ðạo |
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, tăc-xi đưa chúng tôi đi khoảng 20 km thì đến thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, nơi có Khu Di tích văn hóa - lịch sử và danh thắng quốc gia với tổng diện tích 20 ha. Một không gian rộng lớn, sông nước mênh mông cùng nhiều núi đá vôi uy nghi và vươn ra chân sóng lớp lớp xôn xao… Vọng âm một thời tiền sử. Theo phương ngữ, dòng sông trước mặt chúng tôi có tên Vân Cừ, nhưng xưa hai bờ rất nhiều bóng cây cổ thụ và mặt sông thường cuồn cuộn sóng trắng nên người dân gọi là sông Rừng (giờ vẫn còn bến phà Rừng), hay là Bạch Đằng Giang. Cũng theo tư liệu khảo cổ học, gần 4.000 năm trước (cuối đồ đá, sơ kỳ đồ đồng), khu vực này có xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá lớn nhất xứ Đông bắc. Những sản phẩm tinh xảo do nghệ nhân Tràng Kênh chế tác như vòng tay, hoa tai, chuỗi hạt… đa hình thù, đa sắc màu trở thành vật quý và thân thiết với đời sống con người khắp chốn vùng quê và cả khu vực Đông Nam Á.
Và hôm nay, khi thực sự chạm vào ngọn gió và hạt sóng của Bạch Đằng Giang, cảm hoài về tâm trạng của bậc trí thức kiến văn thâm hậu Trương Hán Siêu dâng lên trong tôi: “Bát ngát sóng kình muôn dặm/Thướt tha đuôi trĩ một màu/Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu…”; “Đến bên sông chừ hổ mặt/Nhớ người xưa chừ lệ chan”; “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã/ Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao” - “thiên cổ hùng văn” phú sông Bạch Đằng. Đấy là sự kiện chống giặc ngoại xâm hào hùng và vang dội của cha ông chúng ta vào thế kỷ XIII. Ba trận thủy chiến thể hiện mưu lược thông minh và tài trí của quân ta. Lần thứ nhất, năm 938, Ngô Quyền đánh tan 2 vạn quân xâm lược Nam Hán do tướng Hoằng Thao chỉ huy. Trận đánh này đã chấm dứt 17 năm đô hộ của phương Bắc, nước Đại Việt sang trang mới - kỷ nguyên độc lập. Lần thứ 2 năm 981, trận chiến do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lãnh đạo, đánh tan 3 vạn quân Tống. Và lần thứ ba, năm 1288, do Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo đánh tan 5 vạn quân Nguyên của tướng Ô Mã Nhi dẫn đầu. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn tấn công quân của tướng Thoát Hoan và đến ngày 19/4/1288, nước Đại Việt sạch bóng quân thù. “Giặc tan muôn thuở thanh bình/Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao !” (Hồ trần bất cảm động hề, thiên cổ thăng bình/Tín tri: Bất tại quan hà chi hiểm hề, duy tại ý đức chi mạc kinh-Trương Hán Siêu). Thắng lợi của 3 trận thủy chiến là thắng lợi của đức cao trí sáng, của chính nghĩa; đặc biệt là kế sách dùng hàng vạn cọc gỗ bít đầu sắt nhọn cắm xuống sông Bạch Đằng và bao vây tập kích từ hai bờ làm giặc tháo chạy, thuyền đâm phải cọc bị chìm.
Trong nhà trưng bày hôm nay, rất đông du khách của nhiều thế hệ, cựu chiến binh, Nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên và có cả những bạn bè quốc tế đến chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu quý. Những chiếc cọc gỗ là dấu tích vang lừng năm xưa. Đó còn là sơ đồ 3 trận thủy chiến với những địa danh đi vào lịch sử dân tộc: các dãy núi mang tên U Bò, Hoàng Tôn, Phượng Hoàng, cửa Bạch Đằng, hợp lưu 3 con sông Chanh, sông Kênh và sông Rút; những trận địa cọc Áng Hồ, Áng Lác… Tôi gặp đoàn cựu chiến binh từ Thái Bình đến, họ ngắm soi trầm trồ những thớ gỗ xoắn cuộn từ các cọc lim hơn 700 năm trước cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Tôi cũng thấy nhóm sinh viên đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, họ lần chỉ tay và ngưỡng mộ những địa danh sông núi trên họa đồ chiến trận… Trong Nhà truyền thống này, tôi cũng thấy nhiều bức ảnh các nguyên thủ Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…, đến dâng hương tưởng vọng các bậc tiền nhân lỗi lạc của dân tộc.
Chúng tôi hòa vào dòng người tham quan xuôi ngược. Rất đông, ai cũng toát lên sắc thái tự hào mà khiêm nhường, thư thái và bình yên. Khu Di tích - danh thắng Bạch Đằng Giang có rất nhiều hạng mục. Cổ nhất là đền thờ tướng Trần Quốc Bảo (tôn thất vương triều Trần, người có công lớn trong trận Bạch Đằng năm 1288), được Nhân dân lập dưới chân núi Hoàng Tôn. Trong đền còn lưu lại tấm bia, dựng vào năm 1626, đời vua Lê Thần Tông. Đây là yếu tố quan trọng mà từ năm 1962, Nhà nước đã xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng này. Trong không gian xanh mềm của lá, mêng mang của gió, uy nghi của núi, còn nhiều đền thờ được xây dựng những năm gần đây. Đó là đền thờ 3 vị vua, anh hùng lỗi lạc của dân tộc: Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và tướng công Lê Duy Mật, và có cả đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các bậc đá lên cao, neo vách núi Tràng Kênh là đền thờ Thánh Mẫu - tín ngưỡng của quyền năng sinh sôi, bảo trữ, che chở con người, “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó còn là Trúc Lâm tự Tràng Kênh, mô phỏng theo chùa Đồng Yên Tử ở Quảng Ninh. Những kiến trúc lịch sử-tâm linh này đều biểu đạt theo năng lực và nhu cầu thẩm mĩ thuần Việt. Du khách cũng rất ấn tượng với nhiều thảm thực vật xanh và đẹp do nhiều vị lãnh đạo của đất nước, nhiều nhà sử học và doanh nhân trồng.
Giữa cái nắng chói chang mùa hè miền Bắc, thả hồn vào không gian xanh mát và thoang thoảng hương của thực vật, cảm nhận rõ sự thanh cao mà sang trọng, chân nhân và bình dị. Điều rất đặc biệt của Khu Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Bạch Đằng Giang đã tạo ấn tượng mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế đó còn là “ba không”: không mua vé vào cổng, không bỏ tiền giữ các loại xe và không có quán hàng buôn bán. Càng cảm tình, mặc dù khuôn viên rất rộng, người tham quan rất đông, cây xanh rất nhiều, vậy mà rác hầu như không có, khu vệ sinh sạch sẽ và miễn phí; nhiều bình nước uống không thu tiền đặt khắp nơi hai bên đường đi. Chúng tôi được biết, những hành vi đẹp này đều do những người trong địa phương làm, họ tự quản Khu Di tích không nhận thù lao. Việc làm công đức này thể hiện tri ân đối với các tiền nhân và là niềm tự hào của người bản xứ.
Chúng tôi còn ấn tượng với những công trình điêu khắc được chế tác rất công phu. Ngay cổng vào Khu Di tích là công trình cổng chào bằng đá cao gần 30 m, mái vòm dài hơn 20 m, chạm trổ tinh xảo. Đó là 18 bức tượng La Hán chất liệu Bạch Ngọc dưới tán cây sum suê. Đó là nhiều bức tượng tướng, sĩ và voi, ngựa lẫm kiệt trong chiến trận xếp đặt bên bờ sông; là hệ thống tượng quân và dân nô nức làm cọc gỗ chống quân xâm lược sắp đặt dưới rừng cây lim cao di thực từ nơi khác về. Đặc biệt nhất là quảng trường Di tích 5.000 m2, lát bằng gạch với chiếc cầu nối và lan can bằng đá vươn ra dòng sông Bạch Đằng. Chào đón du khách là một tấm bia đá đúc bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” của đại thi hào Nguyễn Trãi: “Biển rung, gió bấc thổi băng băng/ Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng/Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng/Quan hà hiểm yếu trời kia đặt/Hào kiệt công danh đất ấy từng/Việc cũ quay đầu, ôi đã vắng/Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng” (lời dịch Nguyễn Đình Hồ). Bên trong, sát bờ sông là 3 bức tượng bằng chất liệu đồng, cao 11 m, tạc các bậc vị anh hùng: Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005), Đức vương Ngô Quyền (898-944), Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300). Cả 3 bức tượng uy nghiêm mà khoan hòa, cùng hướng ra phía dòng sông - phía biển Đông thiêng liêng. Dưới chân đế mỗi bức tượng còn ghi những dấu mốc về dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Và dưới dòng sông, nhấp nhô mặt nước bãi gồm 180 cọc, phục dựng những trận thủy chiến lẫy lừng năm xưa. Bạch Đăng Giang chở nặng yêu thương. Những con sóng xô bờ, những con sóng cuộn vào thân cọc, tiếng gió rầm rào, những con thuyền ắp đầy hàng hóa ngược xuôi… Khúc khải hoàn theo nhịp hải hà âm vang vọng về một thời cha ông giữ nước… Khu Di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng tại chiến trường oanh liệt xưa nhằm lưu giữ hồn thiêng dân tộc. Như một tấm bia đá dựng ở nơi đây: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng) của thái học sinh (tiến sĩ) thời nhà Trần - Phạm Sư Mạnh.
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, một cán bộ quản lý của ngành giáo dục đào tạo quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, cô cho biết: “Mỗi lần bạn bè các tỉnh, thành về thành phố là tôi dẫn họ đến đây tham quan. Ai cũng chung một cảm xúc, đó là rất tự hào với lịch sử hào hùng dân tộc mình. Mỗi người đều cảm nhận nơi mình sự an yên khi họ được du ngoạn, tham quan và chiêm bái nơi này”. Đó cũng là âm hưởng, là dư ba trong tôi khi trở lại đất phương Nam, vùng cao nguyên Lâm Đồng. Cùng đó là một niềm mong mỏi: Bao giờ thành phố Đà Lạt, một trong những điểm tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng của đất nước và chủ nhân của nó cũng cần lắm hãy một lần đến Di tích danh lam Bạch Đằng Giang-Tràng Kênh!
MINH ÐẠO