Khi Đà Lạt lấy phát triển du lịch chất lượng cao làm ngành kinh tế động lực

05:11, 25/11/2021

Xác định phát triển du lịch chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm và là ngành kinh tế động lực...

Xác định phát triển du lịch chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm và là ngành kinh tế động lực; đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Thành ủy Đà Lạt đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ThU ngày 28/2/2017 (Nghị quyết 06) về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
 
Đà Lạt được nhiều bình chọn là một trong những điểm du lịch an toàn, hấp dẫn
Đà Lạt được nhiều bình chọn là một trong những điểm du lịch an toàn, hấp dẫn
 
Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Thành ủy Đà Lạt về “phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Lạt”, kinh tế - xã hội của thành phố có sự phát triển đáng kể, lượng khách đến Đà Lạt ngày càng tăng, chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch được nâng cao, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội được cải thiện, phát huy tốt phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
 
•  NỀN TẢNG CỦA NGHỊ QUYẾT 06
 
Trước khi Thành ủy Đà Lạt ban hành Nghị quyết số 06 về “phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Lạt” - ( gọi tắt là Nghị quyết 06), kết cấu hạ tầng du lịch và hạ tầng giao thông của Đà Lạt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phát triển du lịch của thành phố. Sản phẩm, dịch vụ du lịch kém phong phú, thiếu đầu tư, chưa gắn kết được ngành du lịch với các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hay các làng hoa trên địa bàn thành phố, chưa khai thác được mô hình du lịch canh nông. Lượng khách đến Đà Lạt tăng trưởng hàng năm, nhưng tỉ lệ khách quốc tế còn quá ít so với tổng lượng khách, thời gian lưu trú thấp. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là vào những mùa cao điểm; nhiều cơ sở lưu trú hoạt động theo tính chất gia đình, quy mô nhỏ lẻ, lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng ngành du lịch địa phương. Công tác quản lý nhà nước về du lịch, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đủ sức hấp dẫn du khách... nên thị trường khách du lịch của Đà Lạt chưa được mở rộng. 
 
Sau Nghị quyết 06, ngày 19/4/2017, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Quyết định 1249/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan, xác định rõ các yêu cầu về nội dung, lộ trình và kết quả thực hiện; đồng thời, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Cùng với sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, địa phương; sự đồng thuận của người dân và nỗ lực của toàn ngành, hoạt động du lịch thành phố Đà Lạt đã có bước tăng trưởng tốt, định vị được thương hiệu và thể hiện vai trò của ngành kinh tế động lực với những kết quả tích cực.
 
•  KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA NGHỊ QUYẾT 06
 
Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06, kinh tế - xã hội của thành phố có sự phát triển đáng kể, lượng khách đến Đà Lạt ngày càng tăng, chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch được nâng cao, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội được cải thiện, phát huy tốt phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
 
Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2019, số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng Đà Lạt đạt mức tăng trưởng ổn định 12%/năm. Tuy nhiên, năm 2020 và nhất là năm 2021, dịch bệnh COVID -19 bùng phát, lây lan nhanh tại các quốc gia trên thế giới gây ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, số lượng khách du lịch trong 2 năm 2020-2021 giảm mạnh; thậm chí, 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10) của năm 2021, lượng khách đến Đà Lạt không đáng kể khi tất cả các hoạt động du lịch dịch vụ phải tạm dừng. Tính riêng giai đoạn 2017-2020, thành phố đón khoảng 20,9 triệu lượt khách tham quan, trong đó lượng khách quốc tế đạt 11,7% tổng lượng khách, mức tăng trưởng khách bình quân giai đoạn đạt 0,4%, ngày lưu trú khách bình quân đạt 2,2 ngày/khách, tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong cơ cấu GRDP toàn thành phố đạt 66,16%.
 
Du lịch canh nông trở thành điểm nhấn của du lịch Đà Lạt
Du lịch canh nông trở thành điểm nhấn của du lịch Đà Lạt
 
Cơ sở vật chất ngành du lịch tiếp tục được đầu tư, khách sạn cao cấp ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Toàn thành phố có 2.174 cơ sở lưu trú du lịch với 28.515 phòng, trong đó có 877 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn được gắn sao (chiếm 40,3% tổng số cơ sở lưu trú). Trên địa bàn có 44 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 29 đơn vị lữ hành quốc tế, 15 đơn vị lữ hành nội địa; 4.786 hộ cá thể hoạt động lĩnh vực giao thông vận tải do thành phố quản lý và 383 doanh nghiệp do tỉnh quản lý. Số lao động đang làm việc trực tiếp trong các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đạt hơn 10 ngàn lao động, với 83% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ.
 
Thành phố đã có 22 khu - điểm du lịch có thu phí, 24 điểm du lịch canh nông cùng hơn 20 công trình tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh du lịch khác đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan, tổ chức các sự kiện ngày càng cao của người dân và du khách, nhất là các ngày nghỉ, tết, lễ hội. Chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch được nâng lên; hệ thống các khu, trung tâm thương mại mua sắm tập trung cũng đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân địa phương và du khách.
 
Môi trường du lịch được cải thiện rõ nét, giá cả dịch vụ du lịch tương đối ổn định, hợp lý, tạo được ấn tượng tốt với du khách. Phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng Nhân dân; giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; quảng bá hình ảnh con người Đà Lạt, đẩy mạnh hội nhập quốc tế...
 
Đã có nhiều khu du lịch cao cấp với đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, có kỹ năng thành thạo, cạnh tranh và phát triển lành mạnh theo quy định của pháp luật... như: Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm; hệ thống các khách sạn 4 sao, 5 sao, các khu resort nghỉ dưỡng... Thành phố cũng tổ chức liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế (thông qua việc gia nhập Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương - TPO); kết nối với các hãng hàng không mở nhiều tour, tuyến trong nước và quốc tế thu hút được ngày càng nhiều du khách tham quan du lịch Đà Lạt. 
 
Với những kết quả nêu trên, thành phố Đà Lạt được nhận các bình chọn, các giải thưởng: vị trí thứ 30 trong 52 điểm đến lý tưởng cho du khách trên thế giới năm 2016 (Tờ New York Times - Mỹ),“Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” năm 2017 tại Brunei Darussalam, “Thành phố du lịch sạch ASEAN” tại Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47 năm 2018 tại thành phố Chiang Mai (Thái Lan)...; cũng như được nhiều tạp chí du lịch uy tín bình chọn là một trong những điểm du lịch an toàn, hấp dẫn.
 
Đồng chí Trần Đức Nam - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt, cho biết: Kết quả sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 06 tạo cho du lịch của thành phố Đà Lạt nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn còn một số mặt hạn chế… Thời điểm này, du lịch bị tác động tiêu cực do dịch bệnh và đang bắt đầu công cuộc tái khởi động. Thành phố có kế hoạch tổ chức Sơ kết Nghị quyết 06 nhằm nhìn nhận lại những việc đã làm được trong thời gian qua và khắc phục những mặt tồn tại; đặc biệt là nhận định xu hướng, tìm cách làm hay, ứng phó tốt, liên kết - phối hợp để hình thành những mô hình du lịch, tour tuyến tiêu biểu thu hút và phục vụ du khách an toàn, thích nghi trong tình hình mới; đồng thời, đúc kết kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc, có giải pháp giải quyết những khó khăn... theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng để du lịch tiếp tục phát triển và vẫn giữ vai trò là ngành kinh tế động lực và là du lịch an toàn trong dịch bệnh COVID -19.
(CÒN NỮA)
 
LÊ HOA