Trở lại Bình Thuận sau hơn 2 năm dịch COVID-19 diễn biến khó lường, đoàn chúng tôi có dịp tham quan, khám phá điểm du lịch núi Tà Cú - nơi có Chùa Linh Sơn Trường Thọ ngự ẩn với pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn độc đáo, thu hút du khách thập phương đến thưởng ngoạn, cầu an.
|
Một góc yên tĩnh của Chùa Linh Sơn Trường Thọ. Ảnh: Khánh Phúc |
•
KỲ THÚ NÚI TÀ CÚ HÙNG VĨ
Núi Tà Cú nằm ở ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 28 km về phía Nam. Từ chân núi Tà Cú có 2 đường di chuyển lên núi. Du khách có thể leo bộ lên núi, men theo hơn 1000 bậc đá quanh co, luồn qua truông lá đại ngàn, mất khoảng 1 ngày mới có thể lên tới đỉnh núi. Cung đường này thích hợp với những người ưa mạo hiểm, có sức khỏe tốt và muốn ngủ lại trên núi.
Đoàn chúng tôi được giới thiệu thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi Tà Cú bằng hình thức đi cáp treo. Chúng tôi ngồi trong cabin và cảm nhận cái nắng trưa khá gắt của Bình Thuận, được chiêm ngưỡng những ngọn cây cổ thụ xanh mướt, những cây hoa dong nở đỏ rực. Ngắm thắng cảnh núi non hùng vỹ này, chúng ta có thể hình dung toàn cảnh của gần nửa phía núi Tà Cú từ trên cao. Phía dưới là thị trấn Thuận Nam ôm trong lòng Quốc lộ 1A với xe cộ rộn ràng và những vườn thanh long trái chín đỏ, được trồng thành từng hàng thẳng tắp. Anh bạn đồng nghiệp của Báo Bình Thuận nhiệt tình, chu đáo giới thiệu cho chúng tôi thông tin: Núi Tà Cú cao 649 m so với mực nước biển, xưa kia là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc… rất tốt để chữa một số bệnh.
Ngoài ra, núi Tà Cú là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia có thảm động thực vật phong phú với hơn chục loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới như thằn lằn đá, thằn lằn chân ngón, gà gô, diều núi, voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen…; các loại cây quý như afzelia xylocarpa, irvingia malayana… và trên 150 loại cây thuốc.
Núi Tà Cú là một địa điểm leo núi với khung cảnh hoang sơ, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây. Khí hậu ở núi Tà Cú quanh năm trong lành, mát mẻ. Đến đây vào mỗi dịp xuân về, du khách thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng, cây trắc, giáng hương, bằng lăng rợp cả ngọn núi và đặc biệt là dòng suối trong vắt tuôn ra từ những khe đá trên núi mát lạnh càng làm khung cảnh thiên nhiên trở nên kỳ thú.
Đường lên chùa núi dài hơn 2.500 m, qua nhiều dốc cao với nhiều địa danh ấn tượng: đá Bàn Hạ, đá Bàn Thượng, dốc Bằng Lăng hoa nở tím ngắt một góc rừng, dốc Yên Ngựa với khối đá lớn mặt phẳng như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối… Tiến sâu hơn vào đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt bức tượng phật, ấn tượng nhất là bức tượng phật nằm, dài 49 m, cao 11 m.
•
LINH THIÊNG CHÙA LINH SƠN TRƯỜNG THỌ
Sau khi đi hết 15 phút di chuyển bằng cáp treo, đoàn chúng tôi tản bộ, vượt qua hàng trăm bậc cầu thang để đến thắp hương tại Chùa Linh Sơn Trường Thọ. Chùa ngự ở lưng chừng núi Tà Cú với độ cao 420 m, hài hòa với bức tranh thiên nhiên được kết bằng những tảng đá, khe suối, cây rừng trầm lặng trước pho tượng phật nằm uy nghi. Đứng dưới bóng cây đại thụ ngàn năm, nhìn về hướng Đông có thể thấy cả đảo nhỏ Hòn Bà ở LaGi giữa biển mênh mông.
Tổng thể Chùa Linh Sơn Trường Thọ gồm những kiến trúc tượng phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn dài 49 m cao 11 m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Phía chân tượng phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang mọc đầy những cây thuốc ngũ gia bì, chuối đá…, nơi đây có một hang đá, cửa ra vào rất hẹp chỉ đủ một người đi qua.
Tại đây, du khách có thể thư thái ngồi ngắm pho tượng độc đáo, thả hồn vào vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nơi đây và thắp nén tâm nhang cầu nguyện cho mọi người, mọi nhà sức khỏe, bình an. Khi ấy, lòng ta thực sự thư thái và nhẹ nhõm lạ thường. Trên đường tản bộ xuống núi, du khách có thể dừng chân thắp hương nơi chùa Tổ. Chùa Tổ xây dựng từ khoảng năm 1870 - 1880, được chia làm 3 gian. Có trên một trăm bậc đá tam cấp rêu phong ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ làm nổi bật vị thế tôn nghiêm, mái chùa điểm xuyết lên bầu trời xanh lồng lộng, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
HÀ NGUYỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin