(LĐ online) - Được xây dựng từ năm 1939, quần thể lăng mộ Nguyễn Hữu Hào dường như vẫn chưa bị xuống cấp theo thời gian.
|
Từ ngã 3 đường Hoàng Văn Thụ- Nguyễn Đình Quân (đường vào làng hoa Vạn Thành), du khách có thể thấy rõ cổng vào khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào với 4 trụ biểu qua thời gian dài vẫn còn khá uy nghi |
Khu lăng mộ tọa lạc tại ngọn đồi thông tuyệt đẹp ở phía Tây Nam TP Đà Lạt, chỉ cách di tích thắng cảnh thác Cam Ly khoảng 200m.
Lăng Nguyễn Hữu Hào là nơi chôn cất và thờ ông Nguyễn Hữu Hào (thân phụ của Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại) và vợ ông bà Lê Thị Bình. Khu lăng mộ tọa lạc tại ngọn đồi ở phía Tây Nam TP Đà Lạt và nằm trong quần thể di tích thắng cảnh thác Cam Ly (thuộc địa giới hành chính Phường 4, Phường 5, TP Đà Lạt) được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận vào năm 1998.
Theo một số tài liệu lịch sử, ông Nguyễn Hữu Hào vốn là một đại điền chủ giàu có, quê quán tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, con gái ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), một trong những người giàu có nhất Việt Nam thời bấy giờ. Nguyễn Hữu Thị Lan - con gái ông bà nên duyên với Hoàng đế Bảo Đại và được tấn phong làm Nam Phương Hoàng hậu. Bà đã đưa cha lên sinh sống ở Đà Lạt.
|
Lối lên lăng được xây dựng thẳng tắp. Để lên lăng mộ, sau khi qua cổng, người viếng thăm phải đi bộ lên 158 bậc thang trước khi tới khu lăng chính |
Những ngày cuối đời, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào chỉ sống ở Đà Lạt mà rất ít khi trở về quê hương Gò Công. Khi bắt đầu lâm bệnh nặng và biết sẽ khó qua khỏi, ông có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Nam Phương Hoàng Hậu đã cho xây dựng lăng mộ cho ông vào cuối năm 1939.
Khu lăng mộ được xây dựng bề thế, uy nghi trên ngọn đồi rộng khoảng 4ha. Hiện nay, lăng mộ nằm trong khu vực quần thể di tích thắng cảnh thác Cam Ly được UBND tỉnh Lâm Đồng giao quyền quản lý cho Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt (TSC). Tuy nhiên, nhiều năm qua, chỉ có thác Cam Ly được khai thác sử dụng, bán vé đón khách tham quan còn khu lăng mộ chưa được đưa vào trùng tu, khai thác theo hướng du lịch.
Cũng chính vì thế mà khu lăng mộ vốn ẩn mình giữa khu đồi thông càng trở nên trầm mặc. Không nhiều du khách biết đến sự tồn tại của khu lăng mộ. Theo ghi nhận qua 83 năm, khu lăng mộ có dấu hiệu xuống cấp, một số chi tiết quanh phần mái, bậc thang, lan can bị sứt mẻ. Tuy nhiên, do được xây dựng bằng các vật liệu tốt, về cơ bản vị trí khu lăng chính vẫn còn rất vững chãi, các kiến trúc xây dựng lăng mộ chưa bị tàn phá nghiêm trọng bởi thời gian.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, khi giao quyền quản lý cho Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt, mọi hoạt động liên quan đến đầu tư, xây dựng hay vận hành, sửa chữa do đơn vị này thực hiện. Tuy nhiên, do việc khai thác cả quần thể thắng cảnh thác Cam Ly đến nay không đạt hiệu quả cao nên đơn vị quản lý trực tiếp không có kinh phí để tiến hành đầu tư sửa, chỉ tiến hành dọn dẹp, cắt cỏ, làm sạch mái ngói,…để khu lăng mộ bớt um tùm, xuống cấp nhanh hơn.
|
Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào nằm giữa rừng thông nguyên sinh tuyệt đẹp rộng khoảng 4ha |
|
Phần chính của khu lăng mộ vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào - Lê Thị Bình |
|
Quần thể lăng mộ được xây dựng từ năm 1939, là một trong số ít di tích còn giữ được vẻ đẹp như thuở ban đầu |
|
Khi lên tới hết 158 bậc thang tới khu lăng mộ chính, hai bên có 2 con sư tử đá nhìn rất oai dũng |
|
Kiến trúc các góc phần mái lăng mộ Nguyễn Hữu Hào |
|
Phần mái khu lăng mộ nhìn còn cổ kính, chưa bị bào mòn nhiều qua thời gian |
|
Khu lăng mộ được bao bọc bởi rừng thông, trong đó có nhiều cây thông trên 50 năm tuổi |
H.THẮM-C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin