Trong nghề hướng dẫn viên du lịch khám phá, tôi thường dẫn khách đi trải nghiệm nhiều vùng, miền. Nhớ mấy năm trước ngồi cà phê với các sĩ quan Đồn biên phòng Hà Tiên được nghe câu chuyện ân tình.
Thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) ngày càng khởi sắc |
Chuyện rằng “Đầu những năm 90 anh em Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên sang làm việc với Đồn cảnh sát biên giới Lục Sơn (tỉnh Kampot, Campuchia). Kết thúc làm việc, bạn tha thiết mời ở lại dự bữa cơm trưa, trước khi ăn, Đại úy Pen Dươn, Đồn trưởng cùng cán bộ chiến sĩ nhắm mắt, lâm râm mấy câu tiếng Khmer rồi đổ chút bia xuống nền đất. Ông giải thích “Khu vực Xà Xía, Hà Tiên trong chiến tranh biên giới có nhiều lính biên phòng Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nên người dân và lực lượng vũ trang đã hình thành phong tục trước khi ăn uống, mời linh hồn bộ đội Việt Nam cùng vào mâm. Trước nghĩa cử cao đẹp ấy chúng tôi im lặng bắt tay ôm nhau ầng ậng nước mắt”. Hình ảnh cao thượng của ông Đại úy đồn trưởng làm tôi nhớ đến người thủ trưởng cũ của tôi Thượng úy Đinh Hùng Dụng vào tết năm 1976, lúc mấy anh em ngồi cà phê dưới chân đồi Lồ Ồ anh cũng mua thêm ba ly cà phê, mượn 3 chiếc ghế để trống mời các anh em liệt sĩ trong trận chiếm đồi vào đêm 9 rạng sáng ngày 10/12/1974 tại Lạc Tánh.
Thời trai trẻ, tôi có gần 10 năm đóng quân ở Lạc Tánh thuộc huyện Tánh Linh (Bình Thuận) từ năm 1975 đến 1984 trước khi trở lại Sài Gòn tiếp tục đi học. Ngày ấy, Tánh Linh vừa bước ra cuộc chiến thương tích đầy mình, đời sống văn hóa và kinh tế người dân cũng gắn liền với hoàn cảnh đất nước. Nhóm lính trẻ chúng tôi thỉnh thoảng rủ nhau trèo lên đồi Lồ Ồ để tìm hiểu thế nào là trận địa pháo, con đường lính đặc công tiếp cận khống chế các khẩu đội để bộ đội tấn công mở màn chiến dịch địa phương vào tháng 12/1974.
• LẠC TÁNH, KÝ ỨC MỘT THỜI
Giữa năm 1975, một số anh em chúng tôi thuộc đơn vị An ninh vũ trang tỉnh, được điều động về làm công tác quản lý tù hàng binh và những viên chức, sĩ quan chế độ cũ tập trung tại trại Huy Khiêm. Những năm xa xưa ấy không biết lý do gì mà bà con ven đường rất nhiều nhà trồng bưởi, những cây bưởi xòe bóng lá xanh đậm bị bụi đường phủ lên thành những gam màu tối sáng. Có những cành bưởi vươn ra lề đường trái chín lủng lẳng nhưng không thấy ai hái trộm. Đến mùa, hoa bưởi nở trắng dọc đường tỏa hương thơm thoang thoảng như cà phê trổ bông ở Tây Nguyên. Mãi cho đến năm 1978, Lạc Tánh vẫn còn xơ xác theo tàn tích của chiến tranh, con đường chính sỏi đá của xã thưa vắng bóng người, thỉnh thoảng vài chuyến xe than chạy vù qua để lại khói bụi mịt mù. Anh Dụng là thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi, anh là người dân tộc Mường, vóc người cân đối, râu đen, da bánh mật đặc biệt, anh có gương mặt phúc hậu và nụ cười luôn thường trực trên môi. Ngoài phong cách thân tình, với anh còn có biệt tài thổi sáo, vào những đêm trăng sáng giữa rùng, tiếng sáo của anh vang lên thay lời nhắn nhủ nhóm lính trẻ chúng tôi. Anh nguyên là chính trị viên đại đội 25 an ninh vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ Khu ủy 6 cũ, từng làm công tác Đoàn nhiều năm từ chiến khu Đà Lạt đến trại Huy Khiêm nên được chúng tôi kính trọng xem như người anh cả. Cũng năm ấy, tôi bị sốt rét rừng do thiếu máu nên màu da chuyển sang trắng bệch, người tụt xuống hơn 5 kg, chính anh là người động viên mở đường cho người lính trẻ tự mình điều trị để tiếp tục công việc, có lần thủ trưởng Dụng mang cho tôi một ký đường vàng và 3 quả chanh dành cho người cắt sốt. Anh nhỏ nhẹ: “Đời người ai cũng bị ốm đau nhưng lúc đau ốm ngoài dùng thuốc còn phải suy nghĩ tích cực để vươn lên tự khẳng định mình. Đời lính phải đối mặt những công việc gian khó để trải nghiệm tồn tại và trưởng thành chứ không phải chạy theo thành tích làm cho mình nhỏ đi em ạ!”. Lúc đó tôi bật dậy, ôm anh ầng ậng nước mắt. Nhớ năm 1978, cả nước thiếu ăn vì chiến tranh biên giới và lũ lụt, bà con ở xã Đồng Kho đêm xuống thường lén lút đến đám mỳ của trại Huy Khiêm nhổ trộm, có đêm nhổ đến gần cả sào. Trước diễn biến xấu ấy, anh giao cho tiểu đội tôi ban đêm ra phục kích, phải mất 3 đêm thức trắng ngủ bờ bụi nằm canh mới phát hiện đoàn người từ Đồng Kho quang gánh vào đám mỳ lúc 0 giờ. Theo phương án, chúng tôi nổ súng bắn chỉ thiên cấp tập bốn phía rồi lao vào khống chế. Bị tấn công bất ngờ bà con nằm rạp xuống đất, qua ánh đèn pin chiếu thẳng, tôi nhận ra những gương mặt trắng bệch đầy sợ hãi, van xin cầu cứu. Đôi mắt thất thần của người dân đói khát năm ấy còn vấn vương trong tâm thức tôi đến tận bây giờ. Sáng hôm sau, chúng tôi mời Chủ tịch xã Đồng Kho lên nhận dân trộm về, anh Dụng là người chỉ huy đã mang hết số mỳ nhổ đêm qua cho phép họ mang theo. Lúc ấy, chẳng ai bảo ai, cả nhóm người đứng dậy chấp tay xá anh như một vị cứu tinh trong lúc đói khát và tuyệt vọng.
Năm 1980, anh Dụng mất vì sốt rét rừng, vài ngày trước khi đi viện, anh cầm tay tôi thủ thỉ “Em là người lính được học hành, có trí tuệ và năng lực, không biết sau này các con anh có được như em không! Nếu em còn công tác ở đây, em cố giúp chúng nó nhé!” Tôi bắt tay anh bằng hai tay rồi ôm anh thay cho lời hứa. Đó là lần cuối cùng anh em trò chuyện với nhau. Ngày nghe tin anh về với đất, tôi bàng hoàng không tin, anh ra đi với tuổi đời 33, vừa mới được đoàn tụ với vợ con từ Bắc vào sau cuộc chiến. Là sĩ quan trợ lý tham mưu - tổng hợp của đơn vị, tôi không được phép yếu mềm vì sẽ tác động tâm lý đến binh sĩ trẻ nên dấu đi dòng nước mắt để tập trung lo phần hậu sự cho anh.
Sau biến cố đầy đau thương ấy, chị Linh Thị Nhâm (vợ anh) gầy xộp đi, cứ chiều chiều bồng bế con đứng nhìn về Hà Giang quê mình trong khắc khoải, tuyệt vọng rồi ôm mặt khóc. Tôi biết chị hụt hẫng giữa đời thường khi vắng bóng chồng ở vùng đất mới, tôi không biết rồi mai đây người phụ nữ dân tộc Tày đơn độc này sẽ tồn tại thế nào ở xứ lạ giữa rừng hoang vắng trong lúc phải đối mặt với cơm áo nuôi dạy cho 2 đứa con thơ trong thời bao cấp. Cuối năm 1984, tôi rời trại ra đi sau khi ôm hôn hai cháu nhỏ Dũng - Hà mang theo hình ảnh đau thương tuyệt vọng của chị trong những lúc chiều tà.
Những tháng năm công tác ở trại, thỉnh thoảng ghé thăm anh Bảy Hiền (Trần Văn Hiền) ở Lạc Tánh, người bạn đi kinh tế mới. Tôi và anh Bảy cùng tuổi và cùng quê, biết nhau từ nhỏ nên hai anh em thân thiết lắm. Tuy nhiên, lúc ấy gặp nhau không phải dễ dàng, vì anh gần như vắng nhà suốt ngày. Nhà có 6 đứa con nhỏ được sinh ra gần như nối đuôi nhau, Lạc Tánh lại là nơi mới, công việc mưu sinh cho gia đình buộc anh phải vật lộn bươn chải. Hàng ngày lủi vô vườn hoang rọc lá chuối, đào giếng thuê, lúc rảnh đạp xe đi hớt tóc dạo. Đã nhiều lần tôi nghe tiếng rao hớt tóc của anh kéo dài với âm sắc vừa buồn buồn vừa khắc khoải, có lúc bắt gặp anh nước mắt chảy dài. Vì vậy muốn gặp phải canh me đoạn đường anh đi để kêu vào hớt tóc may ra còn có cơ hội gặp nhau. Điều tôi trân quý anh chị Bảy Hiền là dù đói khổ, cô độc nhưng đôi mắt vẫn mang đầy ước vọng là bằng mọi giá cho các con ăn học để đời sau chúng nó không phải là phiên bản của mình.
Ngày thay màu áo lính để mặc áo sinh viên, tôi tìm gặp anh chị bắt tay từ biệt hẹn ngày tái ngộ. Tôi còn nhớ hôm ấy anh mời tôi đến nhà dùng bữa tạm biệt với cơm trắng cá khô và rau tàu bay rừng chấm muối ớt nhưng tôi ôm mặt chảy nước mắt khi nhìn những đứa con 5 - 6 tuổi của anh hau háu nhìn vào chén cơm trắng không độn của chúng tôi. Thế nhưng sau những năm đại học dài dằng dặc rồi ra trường, cuộc đời cuốn theo cơm áo, tôi đã quên đi lời hứa với thủ trưởng Dụng và anh Bảy Hiền là sẽ trở lại Tánh Linh. Mới đây mà đã mấy mươi năm rồi.
• LẠC TÁNH NGÀY TRỞ LẠI
Năm rồi, tình cờ gặp Thiếu tá Lê Ngôn tại nhà riêng của Đại tá Phúc ở Hà Nội, ba anh em cùng công tác với nhau ở trại Huy Khiêm thời trai trẻ gặp nhau có dịp ôn lại những kỷ niệm thời xa vắng. Rượu tàn, Lê Ngôn mời chúng tôi về thăm đơn vị và bạn bè cũ uống với nhau ly rượu để kỷ niệm nơi một thời chúng tôi đã sống.
Lạc Tánh bây giờ giàu đẹp không giống như cuối năm 1975 thời chúng tôi ngồi uống cà phê đen, mượn thêm vài cái ghế để trống mời các anh em liệt sĩ tại đồi Lồ Ồ nữa, con đường hoa bưởi đến mùa nở trắng năm xưa giờ mang tên Trần Hưng Đạo, hai bên đường cũng không còn cây bưởi nào, chỉ có nhà cao tầng, và đường phố phẳng lỳ, mọi thứ đều bê tông hóa chỉ có các loại cây xanh do công ty môi trường trồng theo dáng dấp của một thành phố đương đại. Chị Nhâm vợ thủ trưởng cũ của tôi, người phụ nữ mà ngày ấy thỉnh thoảng tôi gọi chị dâu, một thời ôm con đứng khóc nhìn về Hà Giang những lúc chiều tà giờ đã 72 tuổi, hai chị em tóc bạc ôm nhau thút thít khóc kể lể gian khó thời xa vắng. Chị nói với tôi trong nước mắt “Ngày chú rời trại Huy Khiêm, chị vất vả lắm, chú biết thời bao cấp, một nách hai con thơ khổ biết dường nào, chị phải làm đủ thứ công việc với đồng tiền sạch để kiếm tiền nuôi các cháu. Lúc ấy chị muốn dẫn con về Bắc để sống bên họ hàng thân thuộc, đói khổ có nhau nhưng thằng Dũng nhà chị bị bệnh khớp, mỗi lần trời lạnh hai đầu gối nó đỏ ửng sưng vù bò lê ôm chân mẹ khóc. Người xưa nói bệnh khớp nó đớp vào tim, cũng muốn cháu được sống nên cắn răng ở lại miền Nam. Sau ngày anh chú mất, chị dẫn chúng nó về quê, do không quen đi tàu nên cả ba mẹ con đều ói đến mật xanh mật vàng nằm la liệt khi đến nhà chỉ còn là những cái xác không hồn chú ạ! Đến nay, lạy trời chúng nó mạnh khỏe rồi lớn lên như những củ khoai lăn lóc đầu hè. Thằng Dũng ngày xưa chú bồng bế bây giờ là trung tá quân đội, vợ nó là đứa con dâu hiếu thảo chịu khó, cháu đi bán hàng phụ mẹ nuôi em ăn học từ lúc 13 nên có kinh nghiệm thương trường, giờ chắc nó cũng xếp hạng là doanh nhân cấp thị trấn rồi chú. Thằng Hà đen như đất, năm xưa chú hôn hít cũng đã có vợ con rồi, vợ nó là con cô Tuyết trung sĩ văn thư đơn vị cũ mình đấy, hai vợ chồng nó cũng có cửa hàng bán nội thất. Thằng Dũng có hai đứa con trai, thằng Hà có 2 đứa con gái, đứa nào cũng có cuộc sống hạnh phúc, nhà cửa ổn định rồi. Các cháu của chú bây giờ lo làm ăn để đầu tư cho các con, đứa con trai đầu lòng của Dũng mang họ bố và mẹ là Đinh Trần Việt Anh hiện là sinh viên sĩ quan Trường Đại học An Ninh, cháu được kết nạp Đảng tại trường phổ thông trước khi vào đại học, thằng con thứ hai là Đinh Trần Nam Anh đang học lớp 9, thằng này có tài, học giỏi, biết chơi đàn, thích phiêu lưu mạo hiểm và muốn vào đại học cảnh sát chuyên ngành hình sự mặc dù nay mới học lớp 9! À, vợ thằng Dũng là Thúy Dung, con gái đầu của anh Bảy Hiền, ông hớt tóc dạo bạn cùng thời với chú năm 1983 đó”.
Đêm ấy, được gặp Trung tá Đinh Hùng Dũng con trai đầu của thủ trưởng tôi, giờ cháu đã 50 tuổi, Dũng sở hữu gương mặt và màu da giống hệt bố. Lâu rồi không gặp, mấy mươi năm còn gì nhưng khi biết tôi là người lính năm xưa bồng bế và được bố mình trân quý nên tiếp đón một cách ân tình...
Hôm sau, vợ Dũng, con gái đầu Bảy Hiền dẫn tôi đến thăm bố đẻ. Ngồi trong căn nhà sang trọng như biệt thự vườn, tôi không nghĩ đây là tư thất của ông bạn mình, người đi hớt tóc dạo với lời rao trong khắc khoải và bữa cơm trắng đau buồn năm xưa. Anh chị bây giờ tóc đã bạc, không còn nụ cười héo hắt nữa. Tôi hỏi: “Các cháu giờ ra sao rồi anh? Nhớ ngày xưa nhìn những đôi mắt trong veo hao háo của chúng nó mà chạnh lòng, không biết sau này có được học hành đàng hoàng, được trang bị vốn sống để hội nhập với đời hay là bước tiếp cuộc đời phiêu bạt như cha mẹ chúng nó?”. Bảy Hiền rót ly trà từ tốn: “Sau những năm Nhà nước đổi mới, vợ chồng tôi chuyển sang buôn bán, cuộc sống dễ thở hơn. Cháu đầu Trần Lam Thúy Dung phải nghỉ học sớm phụ mẹ nuôi em, còn mấy đứa khác bắt đi học hết, tôi đặt tên con có chữ lót là Lam có nghĩa là phải làm mới có ăn. Vì thế các cháu sau khi học ra trường phải “lam” để có cái ăn. Thật hồng phúc cho gia đình, các con tôi được định hướng từ nhỏ là học để thoát nghèo, vì vậy các cháu đều tốt nghiệp đại học như cháu Trần Quốc Tuấn kiến trúc sư, Trần Lam Thúy Oanh là dược sĩ cao cấp, Trần Lam Thúy Phương đại học sư phạm, Trần Lam Thúy Ngọc đại học ngoại ngữ, Trần Lam Thúy Mai kiến trúc sư. Do chăm làm như tên gọi nên các cháu đều có nhà cửa và công việc ổn định cũng mừng, chỉ tội cho con Dung phải hy sinh cho các em nên học hành không đến nơi đến chốn nhưng bây giờ nó lại là đứa làm ăn giỏi nhất nhà, bù cho việc học ông ạ!”. Lúc chia tay, chị Bảy mời vợ chồng tôi đến giỗ anh Dụng, thắp cho anh ấy cây nhang để kính báo. Lúc tiễn ra ngõ, Bảy Hiền bá vai tôi thì thầm “Hàng năm anh Đại nhớ về Lạc Tánh như lời hứa, lúc đó hai anh em mình dẫn nhau đi câu cá. Bây giờ con cái đã lớn để chúng nó tự lo, người già chúng mình phải tập buông bỏ quá khứ để sống cuối đời thanh thản trước khi về với đất anh ạ!”.
***
Đồi Lồ Ồ, hình ảnh biểu tượng cho Lạc Tánh xưa và nay. Trên đỉnh đồi Lồ Ồ như chiếc hộp đen ghi lại những huyền sử thăng trầm của một vùng đất, và trong chiếc hộp đen có hình ảnh người anh cả tài năng đức độ của chúng tôi Thượng úy Đinh Hùng Dụng, có âm vang tiếng hát ru con não lòng bằng tiếng Tày của chị Nhâm khi chồng về với đất ở tuổi thanh xuân, và văng vẳng tiếng rao hớt tóc dạo buồn buồn khắc khoải của anh Bảy Hiền. Con cháu anh Hai Dụng, anh Bảy Hiền lớn lên trong khốn khó như những cây hoa bưởi sần sùi đến mùa nở trắng ven đường Trần Hưng Đạo năm xưa. Lạc Tánh bây giờ là thị trấn sầm uất, phố xá đông người, lớp trẻ 9X sinh ra và lớn lên sau thời mở cửa được mặc quần áo đẹp, đi xe ga, hàng ngày dán mắt trên chiếc smart phone xem TikTok để bấm like. Trong họ có ai còn nhớ những tiền nhân chân trần mang gươm đi mở cõi, những người còn sống sau cuộc chiến lấp ló trong căn nhà tranh tre tuyềnh toàng và những tiếng gào khóc xé lòng của những người mẹ khi nhận tin con tử trận từ chiến trường về. Tất cả những hình ảnh bi hùng ấy là nền tảng cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin