Kỳ 2: “Bác ở thế này là quá sang trọng”
Được sống những khoảnh khắc bên vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, được thiết kế, xây dựng nơi ở và làm việc của Bác là những khoảnh khắc vàng của người kiến trúc sư mà không phải ai cũng vinh dự có được. Nhân cách và trí tuệ vĩ đại, lòng độ lượng, bao dung, nhân hậu, khiêm tốn và giản dị của Người đã mãi mãi tỏa sáng trong tâm hồn của Nguyễn Văn Ninh; luôn thức dậy trong lòng vị kiến trúc sư niềm khao khát sáng tạo và cống hiến cho dân, cho nước...
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm thiết kế và thi công nhà sàn của Người |
Như chúng tôi đã nói ở kỳ trước, để thiết kế và triển khai thi công ngôi nhà sàn của Bác, cả cuộc đời làm kiến trúc sư, chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Ninh gặp một bài toán khó giải như thế. Nhưng càng khó thì khi giải được, niềm hạnh phúc càng lớn. Sau hai tháng thiết kế hoàn thành, chuyển sang giai đoạn thi công, việc chọn vật liệu gỗ và ngói lợp không khó. Thợ lành nghề chọn cả bên công binh lẫn thợ bên ngoài cũng không khó. Các công đoạn về mộc được tiến hành rất tốt, đúng yêu cầu thiết kế, kỹ thuật và mỹ thuật. Anh em được tuyển chọn làm công trình đặc biệt mang tính lịch sử này ai cũng ý thức sâu sắc được niềm vinh dự, tự hào nên tinh thần trách nhiệm rất cao. Rồi cái khó là thi công vào thời điểm nào cho thích hợp vì hàng ngày Bác vẫn mải miết làm việc, nếu thi công công trình sẽ gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến công việc của Bác. Cuối cùng, một kế hoạch được vạch ra, là chờ Bác đi công tác dài ngày một chút sẽ tiến hành. Ngày Bác lên đường công tác cũng là ngày vị kiến trúc sư cho khởi công công trình; ông đã chỉ đạo các kíp thợ làm việc với năng suất, chất lượng và tiến độ cao chưa từng thấy. Vì vậy, công trình đã hoàn thành trước khi Bác về nước ba ngày. Ông Ninh đã rất lo lắng và hồi hộp đón chờ ý kiến của Người. Thật may, ngắm ngôi nhà, Bác khen: “Ngôi nhà đẹp quá, thoáng mát”; rồi Bác ngừng nói với nét mặt suy tư. Ông Ninh vội thưa: “Thưa Bác! So với ý Bác dặn thì có tốn kém hơn thêm đôi chút thôi ạ!”. Bác tươi cười rồi bảo: “Chú Ninh nói đúng. Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà để ở. Bác ở thế này là quá sang trọng!”.
Bên cạnh những đóng góp xây dựng đội ngũ làm công tác kiến trúc, với kinh nghiệm và lòng say sưa với nghề nghiệp của mình, đồng chí Nguyễn Văn Ninh đã có nhiều tác phẩm, trong đó đáng ghi nhớ là nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã giao cho đồng chí thiết kế nhà sàn đó. Đồng chí đã đem hết nhiệt tình của mình và đã thực hiện được ý muốn của Bác về nơi ăn, ở, nghỉ và làm việc của Bác. Bác đã được vừa ý với ngôi nhà kiến trúc cũng khiêm tốn, giản dị như cuộc sống của Bác lúc sinh thời. Ngày nay, nhà sàn đó trở thành địa chỉ thiêng liêng mà mọi người đều biết đến…”
(Trích điếu văn của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lâm Quang Mỹ đọc tại lễ tang kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, ngày 17/4/1975)
Ngôi nhà sàn của Bác nhỏ nhắn, hai tầng đặt theo hướng Đông Nam; cốt nhà làm bằng gỗ dổi, một loại gỗ thông dụng chứ không thuộc loại “tứ thiết” quý hiếm nhưng luôn thoảng mùi thơm, mái ngói bẻ góc ấm áp, giản dị; những bộ mành trúc đơn sơ. Tầng một ngôi nhà để thoáng với một bộ bàn ghế lớn, nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ các đầu ngành đến báo cáo công việc và là nơi Bác tiếp thân mật các đoàn khách trong nước và quốc tế. Tầng hai là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác với hai căn phòng nhỏ, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2 đủ để kê một chiếc giường, một bàn, một ghế và giá sách. Những vật dụng thường ngày của Bác vô cùng giản dị như chăn đơn, chiếu cói, chiếc máy đánh chữ cũ và cây quạt kết bằng lá cọ. Phía trước ngôi nhà là một ao cá rộng 3.320 m2, sâu 3 m, nơi Bác vẫn thường ra nghỉ ngơi, thư giãn, cho cá ăn. Quanh ngôi nhà của Bác được trồng rất nhiều hoa, cây ăn quả và cây bóng mát như nhài, ngâu, dạ lan, mẫu đơn, hàng dâm bụt, phượng vĩ, cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa, xoài, trường xanh, bụt mọc... gợi nhớ không gian làng quê Việt, gợi nhớ quê hương làng Sen nơi Bác sinh ra và đã sống những ngày thơ ấu. Đối lập với các công trình kiến trúc bề thế trong Phủ Toàn quyền cũ, Bác của chúng ta đã chọn ở trong ngôi nhà nhỏ bé, khiêm nhường, một khu vườn đơn sơ, mộc mạc khi đã là nguyên thủ quốc gia. Đó là biểu tượng sinh động cho phong cách sống của một con người thanh tao, khiêm tốn, đạt đến độ mẫu mực và có sức lay cảm đến tất cả những ai chứng kiến.
…Ông (kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh) đã cùng kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện soạn thảo đề cương về kiến trúc sư phục vụ kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công, đồng thời, cũng đặt ra chương trình nghiên cứu quy mô rộng rãi các công trình kiến trúc truyền thống của các dân tộc Việt Nam ở Việt Bắc, trung du và đồng bằng sông Hồng...”
(Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành - nguyên Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
Ngày 18/5/1958, trước sinh nhật một ngày, Bác chính thức dọn đến ở và làm việc tại ngôi nhà sàn. Hôm đó, Bác mời mọi người dự một bữa liên hoan nhẹ để “mừng nhà mới”. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đã đến muộn vài phút, Bác vẫy tay ông đến chụp ảnh cùng Người và các đồng chí có mặt, Bác nói: “Phô-tô chờ một chút, “chú Kiến” nhanh lên vào giữa, ngồi trước Bác đây này. Được rồi, chụp đi...”. Ông Ninh kể là bản thân thấy ái ngại khi đến muộn. Bác gọi tên ông là “chú Kiến” vừa ngụ ý ông là kiến trúc sư lại vừa phê bình vui là ông chậm như kiến bò. “Tại cái xích xe đạp rão của chú đấy mà”, Bác đã cười và nói như thế để giải tỏa giúp ông…
Ngồi tiếp chuyện tôi trong ngôi nhà ngày xưa bố mình từng sống, ông Nguyễn Thanh Bích, người con trai trưởng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh từng là một nhà ngoại giao công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương, không giấu cảm xúc: “Cuộc đời bố tôi đã để lại những công trình vô cùng giá trị, cụ cũng dành những di sản tinh thần quý báu cho gia đình, con cháu. Chúng tôi luôn tự hào về người cha yêu quý của mình!”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cháu nội của vị kiến trúc sư đã kể cho tôi rất nhiều câu chuyện trong suốt 29 năm chị trực tiếp công tác tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. “Thật may mắn cho tôi là được làm việc nhiều năm tại đây với công tác bảo quản, giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan của khu di tích. Nơi này thật giản dị, giản dị như chính cuộc đời của Người”. Chị Thủy xúc động nói thêm: “Mỗi ngày làm việc của tôi còn được chiêm ngắm công trình mang ý nghĩa đặc biệt, in dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp sáng tạo kiến trúc của ông nội mình. Tôi vô cùng tự hào và trân trọng!…”.
* * *
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh sinh ngày 3/2/1908 tại phố Đông Kinh (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Năm 12 tuổi, học xong tiểu học, cậu bé Ninh rời quê hương xuống miền xuôi học tiếp bậc trung học. Nguyễn Văn Ninh là người học giỏi, ông đã đỗ đầu khóa trong số 8 sinh viên đầu tiên của Khoa Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1926-1931). Năm 1932, ông vào Huế và được bổ nhiệm làm kiến trúc sư cung đình. Trong 10 năm làm việc tại triều đình Huế, ông đã tham gia thiết kế, tu bổ và xây dựng nội ngoại thất các công trình trong hoàng thành, các lăng tẩm, cung điện, biệt thự; trong đó, ông đã tham gia vào việc xây dựng Dinh Bảo Đại (Dinh 3) tại Đà Lạt. Là một trí thức yêu nước, năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Đà Lạt và được bầu làm Ủy viên UBND cách mạng tỉnh Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Cuộc kháng chiến nổ ra, ông trở về công tác tại xứ Lạng quê hương và sau đó là Chiến khu Việt Bắc. Kháng chiến thành công, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh trở về Hà Nội và được giao nhiệm vụ thiết kế lễ đài Ba Đình để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ về Thủ đô (ngày 1/1/1955) và Đài liệt sĩ Ba Đình...
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh mất ngày 15/4/1975, thọ 67 tuổi. Lúc sinh thời, ông được hai lần Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Cụm công trình kiến trúc do Nguyễn Văn Ninh sáng tác gồm Lễ đài Ba Đình (1955 và 1960) và nhà sàn Bác Hồ đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I năm 2001. Tên của ông cũng đã được đặt cho hai con đường ở hai thành phố: Hà Nội và Lạng Sơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin