Các thuật ngữ liên quan như “tri thức địa phương”, “kiến thức bản địa”, “kiến thức địa phương”, “văn hóa truyền thống”, “tri thức dân gian”, “bản sắc văn hóa tộc người”, “tri thức tộc người”, “phong tục tập quán” được các nhà nghiên cứu sử dụng nhằm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tri thức của cư dân áp dụng vào trong cuộc sinh hoạt, tín ngưỡng.
Du khách tham quan phòng trưng bày |
Nằm trong khuôn viên của nhà thờ Ka Đơn, phòng trưng bày nơi đây được linh mục và bà con giáo dân sưu tầm, bảo quản được hàng ngàn hiện vật từ quý, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng như bộ cồng chiêng, đồng la, choé, đến những món nhỏ nhắn, đơn sơ như trái bầu khô ủ cháo chua, chiếc lược chải chấy, vòng tay bằng hạt rừng đầy màu sắc. Đặc biệt, thông qua bộ sưu tập hiện vật này có thể tìm hiểu được tri thức bản địa của người Churu thông qua các hiện vật tại phòng trưng bày.
Rất nhiều du khách khi đến tham quan nhà thờ Ka Đơn ở huyện Đơn Dương đều có chung một cảm giác rất ngạc nhiên và hứng thú với phòng trưng bày hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của người Churu.
Trong khuôn viên của nhà thờ Ka Đơn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có một phòng trưng bày hiện vật rộng khoảng 300 m2 với hàng ngàn hiện vật về dân tộc học, nhân học được cha Nguyễn Đức Ngọc sưu tầm từ những năm 70 của thế kỷ XX. Đắm mình trong không gian của phòng trưng bày là la liệt các hiện vật được sắp đặt ngay ngắn, lớp lang theo chủ đề liên quan đến cuộc sống của người Churu. Từ những hiện vật liên quan đến cuộc sống hàng ngày như chén, đĩa, đồ gốm, trang sức, đến những bộ sưu tập hiện vật về lao động, sản xuất nương rẫy, canh tác lúa nước, các bộ gõ cồng, chiêng, đàn đá, nhạc cụ... tất cả đã làm nên một phòng trưng bày triển lãm độc đáo mà hiếm có nơi nào đầy đủ.
Du khách tham quan phòng trưng bày |
Trong các bộ sưu tập tại phòng triển lãm ấy, cái mà chúng tôi quan tâm là nhiều hiện vật gắn liền với đời sống sản xuất nương rẫy của người Churu những chiếc gùi trên lưng đi lên nương rẫy, những hiện vật dùng để đánh bắt cá được đan lát tỉ mỉ, chắc chắn. Đối với địa hình đồi núi dốc, chiếc gùi 2 quai đeo trên hai vai, rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển đồ dùng hằng ngày trên nương, họ dùng nó để vận chuyển phân bón, hoặc dùng để thu hoạch ngô khoai. Các loại hiện vật dùng để đánh bắt cá rất phong phú, đa dạng. Ở đó có rất nhiều các dụng cụ dùng để đánh bắt cá trên các con suối, kích thước khác nhau để phù hợp với từng con suối, con mương. Nó phản ánh tri thức bản địa rất rõ nét để thích ứng với hoàn cảnh sinh sống và canh tác, là những hiện vật liên quan đến sản xuất nương rẫy như những chiếc xà gạc là đặc trưng của người đồng bào nơi đây.
Còn rất nhiều hiện vật khác liên quan đến việc làm nương, sản xuất kinh tế, thu hoạch, chế biến cũng mang đậm tri thức bản địa của người Churu. Đơn cử như hiện vật tách hạt ngô cũng khiến cho người xem trầm trồ bởi sự vận dụng sáng tạo của họ. Người Churu dùng 1 thanh sắt nhọn nhỏ như chiếc tô vít gắn trên một giá đỡ vừa bắp ngô, họ chỉ cần đẩy bắp ngô thì hạt ngô sẽ tách khỏi bắp.
Người Churu còn sáng tạo ra các dụng cụ đào lỗ để gieo hạt, các công cụ hỗ trợ mang đậm dấu ấn của tri thức bản địa, phù hợp với địa hình rừng núi của khu vực canh tác.
Nhiều các hiện vật khác trong các bộ sưu tập hiện đang trưng bày tại nhà thờ Ka Đơn cũng mang thông tin hết sức giá trị. Các hiện vật này sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, du khách có thể hiểu thêm về tri thức bản địa của người Churu ở địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin