Từ năm 1954 đến năm 1975, hơn 32 nghìn học sinh từ Quảng Trị đến Cà Mau bằng nhiều con đường khác nhau đã vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Miền Bắc lúc ấy mới được giải phóng và còn vô vàn khó khăn, vất vả, song đồng bào miền Bắc đã dành cho học sinh miền Nam tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Trong số hơn 32 nghìn học sinh miền Nam trên đất Bắc, sau này nhiều người đã quay trở lại miền Nam chiến đấu và hy sinh. Nhiều người trong số họ sau này trở thành những người lãnh đạo cao cấp của đất nước. 70 năm sau, những cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc đã cùng nhau ôn lại những ký ức không phai trong cuốn sách "Ký ức không phai - Tư liệu lịch sử và câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc”.
Đúng như tên gọi của cuốn sách, "Ký ức không phai - Tư liệu lịch sử và câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc”, cuốn sách không chỉ là những hồi ức của những người trong cuộc mà còn chứa đựng trong đó cả những tư liệu lịch sử. Ngay phần đầu của cuốn sách là những nội dung chính và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Genève. Các tư liệu, số liệu, đánh giá được sắp xếp khoa học và có chủ ý. Người đọc, chỉ cần tinh ý một chút sẽ phát hiện ra những chi tiết đầy thú vị và kể cả những trăn trở, đau xót từ chính sự kiện ký kết Hiệp định Genève khi mong muốn của dân tộc ta khi ấy đã không được trọn vẹn để rồi: “Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam còn phải đi tiếp chặng đường dài 21 năm với nhiều sự hy sinh, mất mát, đau thương hơn để đạt tới điều lẽ ra đã diễn ra vào tháng 7 năm 1956”.
Cuốn sách gồm 3 phần. Phần I - Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024). Phần I của cuốn sách đã đăng toàn văn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève 1954. Đây là tài liệu được biên soạn công phu, sắp xếp một cách có hệ thống giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về bối cảnh lịch sử của đất nước khi ấy cũng như những nội dung căn bản của Hiệp định Genève 1954. Phần II - Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và Đoàn tụ. Phần III - Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức. Những hồi ức của những người trong cuộc ở phần này là những cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu. Phần III - Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức. Đó là ký ức của những trẻ em miền Nam trên đất Bắc, có cả những ký ức vui, ký ức buồn nhưng hơn tất cả đó là nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương và những ân tình với người dân miền Bắc khi ấy.
Trong cuốn sách này, những bức thư của Đại tướng Lê Đức Anh gửi cho con gái được công bố. Người cha khi ấy ở chiến trường Nam Bộ đạn bom ác liệt đã gửi cho con gái những bức thư thấm đượm tình cảm của người cha bộ đội dành cho con gái đang ở xa. Những bức thư này đã được con gái Đại tướng, bà Lê Xuân Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Trung ương tại TP Hồ Chí Minh giữ kỹ và không muốn cho ai xem. Tuy nhiên sau nhiều lần đề nghị, bà đã đồng ý cho mượn các bức thư này để trưng bày trong cuộc triển lãm “Học sinh miền Nam trên đất Bắc” nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyển quân tập kết (1954 - 2024) và nay được in trong cuốn sách này.
Phát biểu nhân buổi ra mắt sách tại Đường sách TP Hồ Chí Minh ngày 23/11/2024, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, một học sinh miền Nam trên đất Bắc đã phát biểu rằng những người làm sách đã cố gắng ra mắt cuốn sách này đúng 70 năm để nhắc nhở rằng "Không ai và không điều gì bị lãng quên". Cuốn sách có dung lượng 450 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành cuối năm 2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin