Phải tìm cho bằng được những từ tương ứng trong tiếng Việt để dịch thật chuẩn xác với từng chữ một của ngôn ngữ gốc. Đó gần như là yêu cầu bắt buộc với những người làm công tác dịch thuật: dịch văn học, dịch văn bản hành chính, chuyển ngữ ngôn ngữ đời sống...
![]() |
Tây Nguyên là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc |
Theo nhà nghiên cứu Đặng Trọng Hộ - cựu giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ngôn ngữ là hồn cốt, tinh hoa văn hóa của cộng đồng người đã sáng tạo ra nó. Ngôn ngữ không chỉ thể hiện ý thức tự tôn dân tộc, còn để khẳng định sự trường tồn của dân tộc đó.
Chúng ta có thể khảo sát điều này, qua trường hợp tên gọi: Kòn cau (trong ngôn ngữ của các sắc dân thuộc ngữ hệ Môn - Khmer âm vị “c” đọc gần giống với âm vị “c-h” của tiếng Việt. Theo đó, “cau” đọc là “c-hau” - PV), để rõ hơn niềm kiêu hãnh của những người con kiên trung nơi miền đất nắng gió Tây Nguyên. Ông K’Trang Brít - một trí thức người K’Ho, cho rằng: “Kòn cau là danh từ chung dùng để gọi những cộng đồng người thiểu số bản địa ở Tây Nguyên! Kòn cau nghĩa là người Tây Nguyên, người miền núi, người sống ở vùng cao”. Trong khi đó, ông Phạm Phước - một trí thức có nhiều năm sinh sống tại cao nguyên Lang Biang, quả quyết: “Kòn cau chính là người Thượng!”. Ông Phạm Phước giải thích thêm: “Người Thượng có nghĩa là người sống ở phía thượng nguồn con sông, dân ở miền thượng du, để phân biệt với người ở miền hạ du là vùng đồng bằng”. Theo ông K’Wèn - một trí thức người Mạ, cách giảng nghĩa của ông Phạm Phước chỉ đúng trên phương diện địa lý, chứ chưa phải là chuyển ngữ: chuyển ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác có ngữ nghĩa tương ứng. “Tôi còn nghe một số người dịch tên gọi “kòn cau” mà cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa Tây Nguyên tự gọi mình thành “đồng bào” trong tiếng Việt(?!). Tuy nhiên, khi tra cứu Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu (NXB TP Hồ Chí Minh, 1993, tr.522), tôi lại thấy học giả Thiều Chửu giảng như sau: “Bào” là cái bọc. Anh em cùng một cha mẹ gọi là đồng bào (anh em ruột). Nói rộng ra, người trong một nước cũng gọi là đồng bào, nghĩa là người có cùng quốc tịch, công dân của cùng một nước. Như vậy, 54 sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể gọi nhau là đồng bào - dân của một nước, người cùng một bọc”, ông K’Wèn cho biết. Theo lập luận của Linh mục Đa Minh Nguyễn Huy Trọng trong cuốn sách Phác họa chân dung dân tộc K’Ho qua niềm tin cơ bản và phong tục tập quán (NXB Phương Đông, 2017) thì kòn cau là một đại từ nhân xưng. Kòn cau có nghĩa là con người, hoặc người Thượng. Người K’Ho - một sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, nói: kòn cau he! thì hiểu là người Thượng chúng mình!
Trao đổi về việc dịch tên gọi kòn cau thành các nghĩa người Thượng, dân tộc Tây Nguyên, người miền núi cao, đồng bào... trong tiếng Việt, bà Ka Òi - giáo viên tiếng Mạ, bảo: “Nghĩa của các từ ấy không sai. Tuy nhiên, nó chưa thật sát với nghĩa từ gốc. Nghĩa gốc của tên gọi kòn cau là Con Người (kòn [tiếng Mạ và tiếng K’Ho] = con [tiếng Việt], cau [tiếng Mạ và tiếng K’Ho] = người [tiếng Việt]). Kòn cau nghĩa là Con Người, hoặc con của Người - tức Yàng - đấng thiêng trong tín lý của người bản địa Tây Nguyên”.
Nói nghề dịch ngôn ngữ lắm công phu là vì vậy! Tìm nghĩa tiếng Việt cho tên gọi tưởng chừng như ai cũng đã biết, ấy vậy mà phải loay hoay, lật đi trở lại đến toát cả mồ hôi hột.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin