Tinh thần quật cường của phụ nữ Việt Nam

NGUYỄN VĂN TOÀN 05:02, 13/03/2025

Tinh thần quật cường của người phụ nữ Việt Nam thể hiện ở bản lĩnh cứng cỏi, khí chất dũng cảm, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ và sự áp bức, bất công. Câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” cho thấy rõ thêm tinh thần quật cường của người phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định (SN 1920) là Phó Tư lệnh
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh tư liệu
Bà Nguyễn Thị Định (SN 1920) là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh tư liệu

MẸ ÂU CƠ GÓP CÔNG TO LỚN TRONG VIỆC LẬP NÊN NHÀ NƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA DÂN TỘC TA

Người mẹ đầu tiên của người Việt là Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Lạc Long Quân đã nói với Âu Cơ rằng: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. 

Một thi sĩ đã viết về sự kiện này như sau: “Bố về gặp Mẹ bến sông Tương/ Giọt lệ sầu đong nghĩa vợ chồng/ Ngàn năm tự thuở chia ly ấy/ Huyền sử Rồng Tiên giống Lạc Hồng”.

Năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên vùng rừng núi Phong Châu (Phú Thọ) đã lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc ta. Mẹ Âu Cơ đã dạy dân xây nhà cửa, lập làng, xây thành lũy, cấy lúa, trồng cây, nuôi tằm dệt vải... và nhờ đó cuộc sống của người dân dần dần sung túc: “Mẹ đem lên ở Tản Viên/ Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô/ Bao nhiêu đồi núi đống gò/ Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi” (Thiên Nam ngữ lục).

Việc “phân chia” con cái chính là việc phân chia các cư dân theo địa vực cư trú, “dấu hiệu” đầu tiên của sự hiện tồn Nhà nước. Dù chỉ là hình thức sơ khai nhất, phân chia giữa miền núi và miền biển. Chính vì vậy nên đến khi người con cả Long Quân trưởng thành, Nhà nước Văn Lang đã có đủ điều kiện để ra đời và theo truyền thuyết thì truyền được 18 đời Hùng Vương. 

Nói về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Giáo sư Vũ Đức Vượng (Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh) chỉ ra: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”. Do đó, Giáo sư Vũ Đức Vượng nhận định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long, do đó, trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”. 

Vào ngày 8/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Tiểu đội “11 cô gái sông Hương” trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
 Ảnh tư liệu
Tiểu đội “11 cô gái sông Hương” trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

HAI BÀ TRƯNG GIÀNH LẠI NỀN ĐỘC LẬP CHO DÂN TỘC

Năm Canh Tý 40, vào mùa xuân, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị (con gái Lạc tướng Mê Linh) hội quân ở cửa sông Hát, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Trưng Trắc như sau: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Điều đáng chú ý là phần lớn các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa là phụ nữ được các thần tích, truyền thuyết ghi lại: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Man Thiện, Diệu Tiên, Bát Nàn, Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Phương Dung, Trinh Thục, Thánh Thiên, Thiện Hoa, Nàng Tía, Xuân Hương, Ả Di, Ả Tắc, Ả Lã, Nàng Đô...

Chỉ trong thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã dẹp yên và làm chủ được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Sau khi đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Hán, Trưng Trắc được suy tôn làm vua, tức là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh (thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội ngày nay). Trưng Vương ngay lập tức xây dựng chính quyền tự chủ và trong ba năm sau đó đã chuẩn bị kháng chiến chống lại cuộc xâm lược của nhà Hán. 

Sử thần Lê Văn Hưu trong Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”. 

Trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, vua Tự Đức nhà Nguyễn nhận xét: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”. 

Đại Nam Quốc sử Diễn ca viết rằng: “Bà Trưng quê ở châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/ Ngàn Tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành/ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta”. Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng đã nhận định về Hai Bà Trưng: “Trước là nghĩa, sau là trung/ Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.

Noi gương Hai Bà Trưng, vào thế kỷ thứ III, Bà Triệu cũng đã từng khẳng định: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Bà Triệu xưng là Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Nghĩa quân do Bà Triệu lãnh đạo đã chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người. Nghĩa quân của bà đánh thắng giặc Ngô nhiều trận, giết chết viên thứ sử Châu Giao của nhà Ngô. 

Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của Hai Bà Trưng và Bà Triệu là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những thế hệ phụ nữ Việt Nam nối tiếp đã góp phần hun đúc chí khí quật cường của dân tộc, đóng góp to lớn trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. 

Tiêu biểu là đô đốc Bùi Thị Xuân (1771-1802) - vị nữ tướng góp công lớn trong công cuộc quét sạch các thế lực cản trở sự thống nhất đất nước và trong công cuộc chống ngoại xâm của nhà Tây Sơn. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong sách “Lịch sử nước ta” được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942 rằng: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”.

ĐỘI NỮ BINH CỦA VỊ VUA YÊU NƯỚC THÀNH THÁI 

Vua Thành Thái đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt nhằm che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua Thành Thái đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. 

Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi tên Thượng thư Bộ Lại và “Cơ mật viện” báo cho tên Khâm sứ Pháp Levécque. Sau đó, tên Khâm sứ Pháp Levécque nói thẳng là đã biết vua Thành Thái có ý đồ chống Pháp nên không để vua ở ngôi được. Hắn nói vua Thành Thái muốn tại vị thì vua phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải “thành thực hồi tâm”. Nhưng vua Thành Thái đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất.

Ngày 3/9/1907, “triều thần” theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua Thành Thái “dự thảo” chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần, với nội dung vua Thành Thái vì lý do sức khỏe không bảo đảm xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản “dự thảo”, vua Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn”.Ngày 12/9/1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu. Đến nǎm 1916 vua bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai của mình là vua Duy Tân, cũng là một vị vua yêu nước, chống Pháp.

TINH THẦN QUẬT CƯỜNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM PHÁT HUY CAO ĐỘ DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Sau đó, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp và bị chúng giam tại bót Catinat. Sau đó, chúng giam đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 28/8/1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn thực dân Pháp khiếp hãi trước người cộng sản một lòng trung thành với Đảng và có niềm tin mãnh liệt về thắng lợi của cách mạng Việt Nam nên đã vội vàng đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra trường bắn. 

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1947, chị Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ lúc 14 tuổi. Với trí thông minh, nhanh nhẹn, chị Võ Thị Sáu đã lập được nhiều chiến công. 

Vào tháng 2/1950, khi chị Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt thì chị bị giặc Pháp bắt. Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn chị Võ Thị Sáu nhưng địch không khai thác được gì nên đày chị ra Côn Đảo.

Sáng 23/1/1952, giặc Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra pháp trường xử bắn. Khi được hỏi có ân hận điều gì trước khi chết không, chị Võ Thị Sáu đã trả lời: “Tôi chỉ ân hận chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Không cần bịt mắt, chị Võ Thị Sáu hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”.

Trong bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước. Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lui”. Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng chị Võ Thị Sáu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vì “đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. 

Bà Nguyễn Thị Định là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1965. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào tháng 10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Phó Tổng Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. 

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã tiêu diệt nhiều tên địch. Chiến công của tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã góp phần cùng quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng tiểu đội “11 cô gái sông Hương” bài thơ khen ngợi: “Dõng dạc trong tay khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương…”.

Việt Nam hiện có gần 140 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước. Trong đó, có 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, quê ở Quảng Nam), Mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, quê ở TP Hồ Chí Minh), Mẹ Phạm Thị Ngư (sinh năm 1912, quê ở Bình Thuận), Mẹ Võ Thị Nhã (sinh năm 1921, quê ở Quảng Ngãi), Mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, quê ở Nam Định), Mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, quê ở Kiên Giang), Mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, quê ở Sóc Trăng), Mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, quê ở Tiền Giang), Mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, quê ở Tiền Giang) và Mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, quê ở TP Hồ Chí Minh). 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ”. Người đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Người cũng khen tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ta (2021) cũng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ”.